Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên huyện đảo Lý Sơn

02:04, 12/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng 12.4, (16.3 âm lịch) tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người đã đi cắm mốc lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
 
 
Trong lễ khao lề, Ban tế tự đình làng tổ chức lễ tế thần vào đêm trước và tổ chức lễ cầu an cho vong linh các chiến sĩ đội Hoàng Sa. Tại lễ chính tổ chức ngoài sân đình do các tộc họ thực hiện, Ban tổ chức lễ làm 5 mô hình thuyền câu, 3 ban thờ, các phẩm vật tế lễ, bài vị của các Cai đội Hoàng Sa và những binh lính trong đội, bài vị của các vị thần cai quản biển cả. Sau đó, thầy pháp thực hiện các nghi thức bắt ấn trừ tà, làm phép để an vị vong linh các chiến sỹ Hoàng Sa.
 
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là một di sản văn hóa phi vật thể hết sức quý giá, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa, thông qua lễ khao lề nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc và các giá trị nhân văn sâu sắc đến mọi tầng lớp nhân dân.
 
Quang cảnh buổi lễ
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức hàng năm

 

Thuyền câu và những hình nhân thế mạng được mô phỏng trong nghi thức lễ

 

Linh vị của những binh phu anh dũng hy sinh quên mình vì Tổ quốc. Thuyền câu, những hình nhân thế mạng và các linh vị là những vật dụng không thể thiếu được trong lễ khai lề thế lính Hoàng Sa, nhằm tái hiện nghi lễ tiễn đưa những hùng binh Hoàng Sa năm xưa năm xưa vâng lệnh triều đình dong thuyền ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

 

Hòa lẫn trong tiếng trống chiêng rộn vang, tiếng ốc u oai hùng vang lên trong bài văn tế đội hùng binh: Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba kheo lề thế lính Hoàng Sa…Tiếng ốc u là hiệu lệnh quyền uy của người chỉ huy các chiến thuyền trên biển, đồng thời là hiệu lệnh tiễn đưa người binh phu xuống thuyền đi giữ Hoàng Sa. 


Lễ khao lề năm nay được 13 tộc họ trên đảo tổ chức theo nghi thức dân gian, trong đó điểm nhấn chính là Lễ tế lính Hoàng Sa và thả thuyền câu, ngoài ra còn có lễ nghinh thần, nhập yết đảm bảo các nghi thức theo truyền thống của người dân trên đảo.

 

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nă 2013

 

Mô hình thuyền tượng trưng cùng với các lễ vật, lương thực, thực phẩm mà đội hùng binh năm xưa mang theo khi ra Hoàng Sa được thả xuống biển. 

 
 
Bảo Ngọc