Học sinh nghèo mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ học nghề

02:02, 04/02/2018
.

(Baoquangngai.vn) - Đã hơn 2 năm sau khi Quyết định 53 (QĐ 53) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên theo học trung cấp, cao đẳng tại các trường nghề có hiệu lực, tiền hỗ trợ vẫn chưa đến tay học sinh nghèo ở miền núi. 

TIN LIÊN QUAN

Vay nóng đi học
 
Mẹ bỏ đi khi mới lọt lòng, bố qua đời khi Nam vừa tốt nghiệp THCS, uớc mơ của cậu bé mồ côi Hồ Văn Nam, ở xã Trà Tân, huyện miền núi Trà Bồng là có tiền để tiếp tục theo đuổi ước mơ con chữ. 
 
Ngày qua ngày, Nam sống cô độc, lòng nặng trĩu, buồn tênh trong ngôi nhà của bố để lại. Em làm thuê làm mướn để kiếm sống qua ngày để rồi lóe lên tia hy vọng khi nghe mình sẽ được hỗ trợ 1,3 triệu đồng/tháng, nếu theo học tại các trường nghề trong tỉnh. 
 
Vui mừng khôn xiết về viễn cảnh sẽ không còn gánh nặng cơm áo, gạo tiền vừa được học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, nuôi sống bản thân, Nam không một chút do dự khi đăng ký theo học ngành Cơ khí của Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi, hệ 2 năm.
 
Thế nhưng, hơn 1 năm ngồi trên ghế ngôi trường này, Nam phải vay, mượn, thậm chí là vay nóng để có tiền ăn bánh mì chịu qua bữa… chờ tiền hỗ trợ. 
 
 
1 năm qua, Nam phải vay tiền để đi học.
Cậu bé mồ côi Hồ Văn Nam phải vay tiền để đi học.
 
Một năm qua với Nam là những tháng ngày quá khó khăn. Không có tiền hỗ trợ, để có tiền trang trải cuộc sống, cứ cuối tuần Nam lại theo xe bạn bè về quê đi lột vỏ keo. Lúc có lúc không, bí quá Nam phải vay mượn khắp xóm.
 
“Tiền nợ lúc này là 1 triệu đồng của hàng xóm, 2 triệu đồng tiền vay nóng, 600.000 đồng tiền ăn bánh mì. Bữa cơm của em chỉ là canh, cơm, rau và nước mắm, không dám mơ đến cá, thịt” - Nam chia sẻ.
 
Không chỉ Nam mà tại Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi, các em thuộc đối tượng được hỗ trợ theo QĐ 53 đều rơi vào tình cảnh này. Tất cả các em đều là con em của hộ nghèo, hộ cận nghèo ở miền núi nên chưa có tiền hỗ trợ khiến cuộc sống của các em rất khó khăn. 
 
Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Trung cấp nghề Quảng Ngãi Dương Hồng Sơn cho biết, để chia sẻ khó khăn với các em, trường động viên các em cố gắng vượt qua, tạm ứng tiền mua gạo, kêu gọi các mạnh thường quân trao học bổng. 
 
Lẽ ra các em không được nấu ăn trong khu nội trú, nhưng vì không có tiền hỗ trợ nên trường đành cho các em tự nấu ăn để giảm bớt chi phí ăn bên ngoài. Nhà trường rất mong chính sách được sớm thực hiện để gỡ khó cho cả học sinh và nhà trường. 
 
Ách tắc từ đâu?
 
Theo QĐ53 ngày 20.10.2015 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người tốt nghiệp trường dân tộc nội trú; người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc người khuyết tật có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo theo học trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được miễn, giảm học phí, hưởng mức học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ khác.
 
 
2 năm qua, số tiền mà các em sẽ nhận được vẫn còn nằm trên giấy.
Hai năm qua, số tiền mà các em sẽ nhận được vẫn còn nằm trên giấy.
 
Theo đó, mỗi tháng các em sẽ được hỗ trợ số tiền tương ứng từ 60 đến 100% mức tiền lương cơ sở/tháng, tùy đối tượng. Các em còn được hỗ trợ một lần để mua đồ dùng cá nhân, tiền đi lại…, từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng.
 
Nguồn kinh phí thực hiện chính sách này được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý nhà nước. Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách.
 
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm, số tiền này vẫn còn nằm trên giấy, chưa đến tay học sinh, sinh viên. Tình trạng này khiến hầu hết các sinh viên, nhà trường đều bức xúc. 
 
Trao đổi với chúng tôi, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở LĐ-TB&XH Lâm Tấn Đông xác nhận: Tại Quảng Ngãi có 2 trường trung cấp nghề công lập thuộc Sở triển khai thực hiện chính sách này thì cả 2 trường đều chưa nhận được tiền hỗ trợ để chi trả cho học sinh, sinh viên.
 
Lý giải về nguyên nhân chậm trễ kéo dài, ông Đông cho biết, QĐ 53 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2016, nhưng mãi đến 16.6.2016, liên bộ LĐ-TB&XH, GD&ĐT, Tài chính mới ban hành Thông tư Liên tịch số 12 hướng dẫn thực hiện chính sách này. 
 
Vì Quảng Ngãi là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách nên ngân sách Trung ương sẽ cân đối cho tỉnh để thực hiện chính sách này. Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chế độ chính sách chưa được bố trí trong định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2017. 
 
Ông Đông khẳng định: Ngày 28.7.2017, Sở Tài chính đã kiểm tra và trình UBND tỉnh kinh phí thực hiện trong 2 năm 2016 và 2017, tổng kinh phí gần 1,3 tỷ đồng. Sở Tài chính đang tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết bổ sung trong thời gian chỉnh lý quyết toán năm 2017 (31.1.2017) để các trường chi trả cho học sinh. Năm 2018, nhiệm vụ này được UBND tỉnh giao trong dự toán ngay từ đầu nên sẽ không xảy ra tình trạng chậm trễ như 2 năm qua.
 
 
Bài, ảnh: C.P
 

.