Ông Lê Văn Ninh |
(Báo Quảng Ngãi)- Để Lý Sơn trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước, huyện Lý Sơn đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch. Đây được xem là bước đi căn bản để ngành "công nghiệp không khói" trở thành ngành chủ lực trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện đảo. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh xoay quanh vấn đề này.
PV: Cơ sở nào để huyện xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch?
Ông LÊ VĂN NINH: Hoạt động du lịch trên địa bàn huyện ngày càng phát triển và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để ngành "công nghiệp không khói" phát triển bền vững, UBND huyện nhận thấy cần phải xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, nhằm tạo sự chuyên nghiệp trong hoạt động này.
Bộ quy tắc gồm 5 chương, 14 điều, là những quy định mang tính chuẩn mực, nhằm định hướng hành vi, thái độ, cách thức ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch... Trong đó, quy định du khách khi đến Lý Sơn không được hút chích, trộm cắp, không leo trèo lên các di tích, thắng cảnh, không được xả rác... Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, phải ứng xử văn hóa với du khách. Đối với người dân Lý Sơn phải ứng xử văn minh, lịch thiệp, nhất là các hộ dân kinh doanh dịch vụ. Riêng các chủ phương tiện đường thủy cũng phải ứng xử sao cho văn minh, lịch thiệp để xây dựng hình ảnh người dân Lý Sơn đẹp trong mắt du khách.
Lượng khách ra đảo Lý Sơn du lịch ngày càng nhiều. |
PV: Trong khi tỉnh chưa xây dựng Bộ quy tắc trong hoạt động du lịch, nhưng Lý Sơn đã đi trước thì liệu có gặp khó khăn gì không, thưa ông?
Ông LÊ VĂN NINH: Trong quá trình xây dựng bộ quy tắc, huyện cũng gặp không ít khó khăn, nhất là làm sao tuyên truyền sâu rộng đến người dân, du khách để họ hiểu và cùng nhau thực hiện. Huyện đã cấp phát các đĩa CD cho chủ các phương tiện tàu khách mở tuyên truyền cho du khách, nhưng vẫn còn một số hạn chế...
Tới đây, huyện sẽ tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như thông qua hình ảnh động, các cụm panô, áp phích ở những nơi công cộng. Nhưng cái khó là nguồn kinh phí địa phương khá eo hẹp. Ngoài ra, bộ quy tắc này do huyện tự làm, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót và trong quá trình thực hiện sẽ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.
PV: Du lịch Lý Sơn đang phát triển “nóng” và đa phần người dân huyện đảo chưa có nhiều kinh nghiệm làm du lịch. Do đó, việc áp dụng bộ quy tắc liệu có khả thi không?
Ông LÊ VĂN NINH: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin rằng, người dân sẽ tiếp thu và hưởng ứng, bởi lẽ mục tiêu phát triển du lịch ở Lý Sơn là mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Đơn cử như, hiện nay vấn nạn ô nhiễm môi trường đã cơ bản được khắc phục, điều đó thể hiện người dân trên đảo đã ý thức được lợi ích của việc đảm bảo môi trường trong sạch ở trên đảo. Bởi lẽ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch ứng xử thiếu văn hóa, hay môi trường sinh hoạt, ăn ở không đảm bảo thì khách cũng sẽ chỉ đến một lần. Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức cho nhiều hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đi đến Cù Lao Chàm (Quảng Nam) để trải nghiệm thực tế, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch...
Có thể khẳng định rằng, sau gần 1 năm áp dụng Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, đã mang lại những kết quả nhất định. Tình trạng vứt rác bừa bãi, tranh giành khách đã cơ bản được khắc phục. Thời gian đến, huyện tiếp tục tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Lý Sơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, đa dạng sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ du khách, nhằm xây dựng Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
LÊ ĐỨC
(thực hiện)