Vụ cản trở hoạt động của Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ: Kiên trì vận động người dân

03:08, 13/08/2018
.

Ông Nguyễn Thịnh.
Ông Nguyễn Thịnh.

(Báo Quảng Ngãi)-  Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Nguyễn Thịnh với phóng viên Báo Quảng Ngãi trong cuộc làm việc mới đây.

Theo ông Thịnh, từ ngày 29.7 đến nay, người dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đã tụ tập  ngăn cản hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ, khiến rác thải trên địa bàn huyện bị ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

PV: Thưa ông, Dự án Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ được triển khai như thế nào và quá trình hoạt động đã mang lại hiệu quả ra sao?

Ông NGUYỄN THỊNH: Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư. Nhà máy được xây dựng trên vị trí bãi rác cũ có từ nhiều năm qua. Trước khi xây dựng, UBND xã Phổ Thạnh cùng nhà đầu tư đã lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Cụ thể, tháng 5.2016, chủ đầu tư cùng UBND xã Phổ Thạnh tổ chức buổi tham vấn cộng đồng tại trụ sở UBND xã, với sự tham dự của trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận của 3 thôn La Vân, Thạch Bi 1, Thạch Bi 2. Riêng thôn La Vân có mời đại diện chi hội đoàn thể, đại diện hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhà máy. Tại buổi tham vấn, tất cả đều thống nhất thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đức Phổ.

Đến tháng 1.2018, nhà máy đưa vào hoạt động. Kể từ khi đi vào hoạt động, công tác thu gom, xử lý rác thải tại các xã, thị trấn được thực hiện 2 ngày 1 lần; xử lý tốt vấn nạn ô nhiễm phát sinh từ rác trên địa bàn.

PV: Ông có ý kiến thế nào về việc người dân cho rằng, khoảng cách giữa nhà máy với khu dân cư là không đảm bảo theo quy định; đồng thời trong quá trình hoạt động nhà máy đã xả khói, nước thải làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và còn thu gom rác thải từ TP.Quảng Ngãi?

Ông NGUYỄN THỊNH: Theo quy chuẩn Việt Nam, công trình nhà máy xử lý rác thải rắn sử dụng công nghệ đốt, kết hợp xử lý phân bón hữu cơ thì khoảng cách an toàn từ nhà máy đến khu dân cư gần nhất là lớn hơn hoặc bằng 500m. Cụ thể, Nhà máy Xử lý chất thải  sinh hoạt Đức Phổ cách khu dân cư nơi gần nhất là hơn 500m. Tại báo cáo đánh giá tác động môi trường được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016 cũng xác định, khoảng cách từ nhà máy đến khu dân cư gần nhất là từ 503 - 604m.

Đầu năm 2018, huyện giao Phòng TN&MT hợp đồng với đơn vị tư vấn có chức năng kiểm tra môi trường nước, mẫu không khí quanh nhà máy. Kết quả xét nghiệm, phân tích đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, lấy hai mẫu nước sinh hoạt tại giếng của 2 hộ gia đình gần nhà máy nhất (ông Lý Thành Công và Huỳnh Văn Bé) để phân tích và kết quả đảm bảo theo quy định. Riêng vấn đề nước thải của nhà máy, chỉ khi có mưa thì nước chảy xuống cánh đồng; còn nước thải của nhà máy đã được xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường.

 Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ.                                                    Ảnh: TN
Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ. Ảnh: TN


UBND huyện khẳng định rằng, không có chuyện nhà máy thu gom rác từ TP.Quảng Ngãi để chuyển về bãi rác Đức Phổ. Đối với lượng rác tồn đọng, thời gian đến huyện sẽ xây dựng phương án xử lý triệt để, giảm thiểu phát tán mùi hôi ra môi trường. Trước mắt, huyện giao cho Phòng Kinh tế- Hạ tầng mua bạt phủ lên, sau đó xử lý bằng biện pháp đốt phù hợp. Số rác thải tồn đọng này có trước khi nhà máy đi vào hoạt động.

PV: Vậy huyện sẽ có biện pháp gì để sớm đưa Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ hoạt động trở lại, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện?

Ông NGUYỄN THỊNH: Sau khi người dân có ý kiến và ngăn cản hoạt động của nhà máy, UBND huyện Đức Phổ và xã Phổ Thạnh đã đến trực tiếp tại hiện trường để vận động, tuyên truyền, giải thích, nhằm giúp người dân hiểu rõ được bản chất của vấn đề, tạo được sự đồng thuận trong vận hành nhà máy. Ngoài ra, huyện còn mời các cơ quan chức năng của tỉnh về kiểm tra, giám sát, trả lời các vấn đề mà người dân thắc mắc. Ngày 7.8.2018, Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Trần Em và cơ quan chức năng của tỉnh, xã Phổ Thạnh cũng đã tổ chức đối thoại với nhân dân xã Phổ Thạnh về vấn đề này.

Thời gian đến, các cấp chính quyền của huyện Đức Phổ sẽ tiếp tục kiên trì tuyên truyền để người dân hiểu được sự cần thiết của nhà máy và trong quá trình vận hành, nhà máy luôn đảm bảo các yếu tố về môi trường theo quy định của Nhà nước. Từ đó, tạo sự đồng thuận, không có hành vi cản trở, nhằm sớm đưa Nhà máy Xử lý chất thải sinh hoạt Đức Phổ hoạt động trở lại; kịp thời thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện.

PV: Xin cảm ơn ông!


THANH NHỊ
(thực hiện)



 


.