Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ. |
(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Viết Chữ đối với nhiệm vụ của tổ chức công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Nhân dịp Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2018- 2023), Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cho rằng, để xây dựng đội ngũ công nhân, lao động (CNLĐ) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, tổ chức công đoàn có vai trò hết sức quan trọng.
PV: Xin đồng chí cho biết, cơ hội và thách thức để phát triển đội ngũ CNLĐ ở tỉnh ta trong thời gian tới?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tỉnh ta đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Mục tiêu là chuyển phần lớn người lao động ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp sang lao động công nghiệp, dịch vụ. Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống dưới 40%. Điều này có nghĩa là đi đôi với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tỉnh đang chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động. Vậy nên trong những năm đến, lực lượng CNLĐ sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, tỉnh đang thu hút các dự án đầu tư công nghiệp có trình độ công nghệ cao, kể cả lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nên cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề đặt ra là, cần quan tâm chăm lo hơn nữa đến việc tuyển dụng, đào tạo lực lượng CNLĐ.
Để thu hút lao động vào làm việc ở các doanh nghiệp (DN), tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi để người dân mạnh dạn tham gia các lớp đào tạo, chuyển đổi ngành nghề. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc học nghề và làm theo nghề mình đã học. Bất cập hiện nay là số lượng lớn thanh niên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, nhưng không xin được việc làm, trong khi đó nhiều nhà máy, xí nghiệp cần lao động lại không tuyển dụng lao động được. Nguyên nhân là do chất lượng đào tạo chưa tốt; cơ cấu đào tạo ngành nghề chưa hợp lý. Người dân chưa suy nghĩ đúng về việc học nghề, làm theo nghề, nên phần lớn là học kế toán, quản trị kinh doanh... trong khi các ngành nghề như thợ hàn, thợ điện, luyện cán thép, cơ khí thì lại thiếu lao động.
Ngoài ra, các chế độ, chính sách cho NLĐ chưa tốt nên NLĐ chưa yên tâm vào các nhà máy, công trường làm việc. Do đó, cần có các chính sách đổi mới công tác đào tạo nghề, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo để người lao động được đào tạo có tay nghề vững, có nơi làm việc ổn định. Việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm, tiền lương... phải được công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước. Có như vậy, NLĐ mới vào nhà máy và yên tâm làm việc.
Tổ chức công đoàn phải chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Ảnh: S.TRÀ |
PV: Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn tỉnh cần thực hiện nhiệm vụ gì để góp phần xây dựng tỉnh nhà sớm trở thành tỉnh công nghiệp, thưa đồng chí?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Để làm được những việc trên, vai trò của công đoàn là cực kỳ quan trọng. Tổ chức công đoàn đừng biến mình thành cơ quan hành chính mà phải là tổ chức của công nhân, phải gắn bó với lợi ích thiết thực của CNLĐ. Chỉ khi nào tổ chức công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện cho ý chí, quyền lợi, nguyện vọng của CNLĐ thì khi đó CNLĐ mới tin tưởng, gửi gắm sứ mệnh của mình với tổ chức công đoàn.
Nếu tổ chức công đoàn vẫn là cơ quan hành chính, vẫn mệnh lệnh, thì sẽ không hoàn thành được sứ mệnh mà CNLĐ mong đợi. Điều quan trọng hơn nữa là, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, do vậy hoạt động của công đoàn, hoạt động của giai cấp công nhân cũng nằm trong môi trường hội nhập, chứ không phải là kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa như ngày xưa, nên phải có sự thay đổi cho phù hợp. Cần có sự cạnh tranh trong dịch vụ phục vụ cho CNLĐ; CNLĐ tham gia giám sát, kiểm soát việc đóng đoàn phí, chi tiêu đoàn phí, kiểm soát việc đề ra các chủ trương, chính sách để bảo vệ quyền lợi của CNLĐ. Trước đây, tổ chức công đoàn là cơ quan hành chính, làm việc theo kiểu mệnh lệnh, thì nay phải trở thành tổ chức phục vụ trực tiếp cho CNLĐ, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu phát triển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
SÔNG TRÀ
(thực hiện)