Người dân quyết định trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

04:06, 01/06/2018
.

Ông Nguyễn Đại.
Ông Nguyễn Đại.

(Báo Quảng Ngãi)- Đã bước vào mùa khô, nhiều cánh rừng ở Quảng Ngãi có nguy cơ cháy cao, đòi hỏi ngành chức năng và người dân phải có những giải pháp hiệu quả, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng có thể xảy ra. Để hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã phỏng vấn Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về thực trạng rừng trồng ở tỉnh ta hiện nay?

Ông NGUYỄN ĐẠI: Quảng Ngãi hiện có 333.605ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 111.028ha, rừng trồng 224.828ha, độ che phủ đạt 50,36%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (41,45%). Trong 224.828ha rừng trồng, chủ yếu là keo, bạch đàn, dương liễu nhiều cấp tuổi xen lẫn nhau, rất dễ xảy ra cháy và cháy lan nhanh. Đã bước vào mùa khô, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở một số địa phương là rất cao.

PV: Những khu vực nào có nguy cơ cháy rừng cao và công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông NGUYỄN ĐẠI: Quảng Ngãi hiện có 123 xã thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Để triển khai công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) một cách có hiệu quả, chúng tôi xác định phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để; thực hiện phương châm 4 tại chỗ. Lực lượng tại chỗ là các tổ, đội chữa cháy rừng tự nguyện theo nhóm hộ liền kề; các tổ, đội xung kích ở địa phương gồm lực lượng dân quân, thanh niên, công an, kiểm lâm, hiện toàn tỉnh có trên 600 tổ, đội PCCCR. Về phương tiện tại chỗ, là sử dụng bàn đập lửa, máy thổi gió, rựa và dụng cụ thủ công như cành cây. Chỉ huy tại chỗ, là các tổ trưởng tổ đội PCCCR. Vài năm trở lại đây, lực lượng này tỏ ra khá hiệu quả trong công tác PCCCR; toàn tỉnh hiện có 123 người được ký hợp đồng bảo vệ rừng trong 6 tháng mùa khô, với định mức khoảng từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/người/tháng, tùy theo diện tích rừng.

Thực tế, việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCCCR trên địa bàn khu dân cư đã đạt được một số kết quả nhất định và khá quan trọng. Đó là, xây dựng, củng cố được lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy ở cơ sở; việc phòng cháy ở nhiều địa phương đã dần đi vào nền nếp, các vụ cháy xảy ra đã được chữa cháy tích cực, kịp thời khi mới phát sinh, nên đã giảm đáng kể thiệt hại. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục như: Việc xây dựng và tổ chức diễn tập phương án chữa cháy ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nên khi xảy ra cháy không có biện pháp chữa cháy kịp thời và bị động. Lực lượng dân phòng được thành lập, nhưng chủ yếu tham gia các công tác khác ở địa phương, thực tế làm công tác phòng, chữa cháy chưa nhiều...

PV:  Để công tác phòng cháy chữa cháy rừng thật sự có hiệu quả, theo ông đâu là giải pháp?

Ông NGUYỄN ĐẠI: Để công tác PCCCR thật sự hiệu quả, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu để UBND tỉnh ra chỉ thị về công tác PCCCR, sau đó triển khai thực hiện xuống các xã có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

Sở NN&PTNT, UBND các huyện tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra và chỉ đạo công tác PCCCR cho các xã, các chủ rừng thuộc vùng có nguy cơ cháy rừng cao, để chính quyền và người dân chủ động trong công tác PCCCR. Đồng thời tiến hành tuyên truyền, yêu cầu các chủ rừng ký cam kết với chính quyền, kiểm lâm về thời gian và địa điểm đốt thực bì để trồng rừng. Khi đốt thực bì phải thông báo với chính quyền, cán bộ kiểm lâm, nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ rừng. Từ đó ý thức của chủ rừng, người dân về công tác PCCCR ngày được nâng cao.

Lực lượng Kiểm lâm Quảng Ngãi diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: T.L
Lực lượng Kiểm lâm Quảng Ngãi diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: T.L


Bên cạnh đó, xây dựng phương án PCCCR các cấp, phương án chữa cháy rừng cụ thể cho các khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao. Thực hiện tốt công tác dự báo và cảnh báo nguy cơ cháy rừng; phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi và các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin kịp thời về cấp dự báo cháy rừng, các biện pháp PCCCR đối với từng cấp cháy rừng. Tổ chức tuần tra, canh gác, nhằm phát hiện sớm điểm cháy rừng; nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa các nguy cơ cháy rừng; tổ chức cứu chữa kịp thời các vụ cháy rừng xảy ra; kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm các quy định về PCCCR. Củng cố các tổ, đội PCCCR cơ sở; mua sắm phương tiện, dụng cụ thiết bị chữa cháy rừng cần thiết; tổ chức lực lượng canh gác, tuần tra thường xuyên trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.

Khi có cháy rừng xảy ra, chính quyền địa phương và chủ rừng phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ kịp thời chữa cháy, không để cháy lan, gây cháy lớn. Khi đám cháy vượt quá khả năng cứu chữa của lực lượng, phương tiện tại chỗ phải báo ngay lên Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp trên, để được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức điều tra, đánh giá mức độ thiệt hại và truy tìm thủ phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nếu phương châm “bốn tại chỗ” được toàn dân chú trọng, chung tay thực hiện nghiêm túc, đồng bộ thì công tác PCCCR không còn là vấn đề khó giải quyết, việc hạn chế số vụ và thiệt hại do cháy rừng gây ra là điều mà mỗi người dân, chủ rừng đều có thể thực hiện được. Đây chính là yếu tố quyết định trong công tác PCCCR hiện nay.

PV: Xin cảm ơn ông!


THANH HẢI
(thực hiện)


 


.