Ông Lương Kim Sơn |
(Báo Quảng Ngãi)- Trong quý I/2018, Sở LĐ-TB&XH đã giải quyết hồ sơ cho 301 trường hợp hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi theo quy định; 157 trường hợp người có công, thân nhân và người tham gia kháng chiến hưởng chế độ bảo hiểm y tế; tiếp, giải thích cho 25 lượt công dân hỏi chính sách người có công...
Hồ sơ người có công luôn phát sinh và thiếu nhiều chứng cứ, tài liệu liên quan, nên công tác xác minh, thẩm định đề nghị giải quyết chế độ, chính sách khá phức tạp. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lương Kim Sơn cho biết rõ hơn điều này.
PV: Ngành LĐ-TB&XH đã có những giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ của người có công?
Ông Lương Kim Sơn: Từ năm 2017, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người có công trong tỉnh và đã tiếp xúc, đối thoại với 1.400 đối tượng tại 13 xã của các huyện, thành phố. Qua đối thoại, đã tiếp nhận một số vấn đề như: Người dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét chế độ thương binh, liệt sĩ mà hiện tại không đủ hồ sơ hoặc không có giấy tờ; đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục hồ sơ và giám định thương tật phải đáp ứng một số tiêu chí về sức khỏe, thương tật do Bộ Y tế ban hành... Do đó, cần sửa đổi những quy định cụ thể trong hồ sơ để được công nhận đối tượng chính sách, nạn nhân da cam...
Việc giải quyết hồ sơ cho người có công ngày càng khó khăn và phức tạp hơn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, các đối tượng đề nghị hưởng chế độ đa phần đã cao tuổi, sức khỏe yếu, bệnh tật... cần sớm được công nhận để hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.
Đây là vấn đề mà ngành LĐ-TB&XH đang tập trung giải quyết. Hiện chúng tôi đang tập trung rà soát, hoàn chỉnh những hồ sơ phát sinh để sớm đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết cho các đối tượng; phối hợp với các ngành liên quan tổng rà soát về hồ sơ, thủ tục đối tượng tù yêu nước trong tỉnh để làm việc với Cục Người có công, giải quyết chính sách cho nhóm đối tượng có tài liệu lưu trữ để lại. Còn các nhóm đối tượng khác phải chờ hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH.
Bên cạnh đó, chúng tôi đang đôn đốc các huyện, xã tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Người có công, trong đó nêu rõ những đề xuất, kiến nghị về sửa đổi, bổ sung pháp lệnh cho phù hợp với tình hình mới...
Các hội đoàn thể trong tỉnh thường xuyên thăm, tặng quà cho người có công. Ảnh: PV |
PV: Về xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, tiến độ thực hiện như thế nào?
Ông Lương Kim Sơn: Để thực hiện đề án Sửa chữa, xây mới 5.036 nhà ở cho người có công trong tỉnh giai đoạn 2017-2018, Trung ương và UBND tỉnh đã bố trí vốn đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai ở các huyện chậm, dẫn đến tiến độ thực hiện đề án trên khả năng sẽ chậm. Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương tích cực triển khai và hoàn thành việc sửa chữa, xây mới nhà cho người có công trong năm 2018.
PV: Ngoài chế độ, chính sách của Nhà nước, thời gian đến việc vận động cộng đồng chung tay chăm sóc người có công tiến hành ra sao?
Ông Lương Kim Sơn: Những năm trước đây, Quảng Ngãi đã thực hiện khá tốt việc vận động cộng đồng xã hội cùng góp sức chăm lo cho đối tượng chính sách. Phát huy kết quả này, trong năm 2018 chúng tôi sẽ tích cực vận động các nhà tài trợ tham gia đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh, cấp huyện và sẽ phối hợp cùng MTTQ các cấp trong tỉnh vận động các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng cùng đóng góp, chung tay hỗ trợ, chăm sóc người có công. Phấn đấu đưa mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình ở khu dân cư.
PV: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị là thực hiện công tác giải quyết việc làm, ông cho biết kết quả của công tác này từ đầu năm đến nay?
Ông Lương Kim Sơn: Trong quý I/2018, chúng tôi đã tham mưu trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu vận động xuất khẩu lao động và vốn vay giải quyết việc làm năm 2018 cho 14 huyện, thành phố và chấp thuận cho 14 doanh nghiệp, nhà thầu có nhu cầu sử dụng và sử dụng lại lao động người nước ngoài; thẩm định 62 hồ sơ cấp và cấp lại giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài làm việc tại tỉnh.
Sở LĐ-TB&XH đã làm việc với Công ty CP Phát triển Công nghiệp – Xây lắp Hà Tĩnh và Chủ tịch Tập đoàn Nohara (Nhật Bản) để triển khai tuyển chọn lao động đi làm việc tại Nhật Bản; hỗ trợ đào tạo và tuyển dụng lao động làm việc tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và các doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, với tổng số lao động cần tuyển là 14.721 lao động.
Sở đã chỉ đạo tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm và có 2.187 lao động được các doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ, phỏng vấn tuyển dụng. Trong đó, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tiếp nhận được hơn 1.050 lao động; các doanh nghiệp tại khu VSIP và trên địa bàn tỉnh trên 900 lao động. Riêng hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc là 142 lao động...
THANH TOÀN (thực hiện)