Xã hội cùng lo chuyện an toàn thực phẩm

07:03, 24/03/2018
.

Bác sĩ Nguyễn Văn Oai
Bác sĩ Nguyễn Văn Oai

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 19.3, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2018. Mục tiêu của kế hoạch này là nâng cao nhận thức và thực hành về ATTP cho các nhóm đối tượng; phấn đấu 85% đối tượng là người quản lý, 75% đối tượng là người sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP...

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi, bác sĩ Nguyễn Văn Oai cho biết rõ hơn về những tồn tại, hạn chế trong việc đảm bảo ATTP trên địa bàn Quảng Ngãi và những đề xuất, kiến nghị, nhằm đưa công tác này ngày càng đi vào quy củ.

PV: Từ những đánh giá, nhận định như thế nào mà UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP năm 2018?

Bác sĩ Nguyễn Văn Oai: Tình hình ATTP trên địa bàn tỉnh hiện đang nổi lên một số nhóm vần đề sau: Chúng ta chưa thể kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nguyên liệu nông sản như rau, củ, quả, thịt an toàn; vùng trồng rau, củ, quả an toàn tập trung quy mô nhỏ, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; chưa có khu giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh thú y. Hoạt động lưu thông thực phẩm chưa được kiểm soát chặt; hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn xuất hiện trên thị trường.

Các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống ngày càng phát triển cả về quy mô và số lượng, việc kiểm soát ATTP gặp khó khăn. Công tác quản lý, thanh tra kiểm tra còn chồng chéo, trùng lắp, nhưng lại bỏ sót một số lĩnh vực; việc xử lý vi phạm về ATTP chưa nghiêm. Lực lượng làm công tác ATTP từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu; trang thiết bị không đảm bảo. Ngoài ra, các hành vi gây mất ATTP của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng tinh vi; thói quen ăn uống của người dân có  nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm rất cao...

PV: UBND tỉnh đã có quyết định phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP cho các cấp, ngành khá rõ ràng, vậy vì sao còn sự trùng lắp, chồng chéo?

Bác sĩ Nguyễn Văn Oai: Có một thực tế là, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, tự phát thuộc diện không phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP nên việc áp dụng các mô hình chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cũng như công tác quản lý và áp dụng các chế tài xử lý vi phạm hành chính gặp nhiều khó khăn.

Quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng công tác này lâu nay còn bị buông lỏng.  Ảnh: T.T
Quản lý an toàn thực phẩm thức ăn đường phố thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng công tác này lâu nay còn bị buông lỏng. Ảnh: T.T


Một điều quan trọng nữa là, chúng ta chưa xây dựng được các “chuỗi thực phẩm an toàn”, trước mắt là nguồn rau, củ, quả, thịt hằng ngày cung cấp cho người tiêu dùng. Các sở, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quyết định của UBND tỉnh về phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh trong việc quản lý ATTP tại các chợ, quản lý vệ sinh ATTP thức ăn đường phố, dịch vụ đám tiệc.

Công tác thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan chức năng vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, nên xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp nội dung trong thanh kiểm tra về vệ sinh ATTP, nhưng lại bỏ sót trong quản lý, kiểm tra nhiều sản phẩm và nhóm sản phẩm đã được phân công quản lý. Hoạt động xử lý vi phạm về vệ sinh ATTP chưa được quan tâm, đặc biệt là tuyến huyện và tuyến xã; chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về vệ sinh ATTP.

PV: Là cơ quan quản lý chuyên ngành ATTP, ông cho biết về đội ngũ và trang thiết bị phục vụ công tác này?

Bác sĩ Nguyễn Văn Oai: Có thể nói, hiện tại việc đầu tư nhân, vật lực cho công tác quản lý ATTP còn nhiều hạn chế. Tôi xin nêu một ví dụ, nhà làm việc của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm là nhà dân dụng cấp 4, xây dựng từ năm 1962. Diện tích sử dụng chưa đến 100m2, không đảm bảo điều kiện làm việc của cán bộ, công chức trong đơn vị cũng như tiếp dân; kinh phí hoạt động quá thiếu thốn; trang thiết bị phục vụ kiểm tra, phân tích thực phẩm, thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định chưa được trang bị; phương tiện đi lại phục vụ thanh kiểm tra chưa được đầu tư... Về đội ngũ, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý về vệ sinh ATTP của các cấp còn quá mỏng. Tại tuyến huyện, xã phải kiêm nhiệm nhiều việc, chưa được chuyên môn hóa, đặc biệt là công tác thanh tra về vệ sinh ATTP...

PV: Theo ông, để công tác quản lý ATTP đi vào quy củ cần có những cơ chế, chính sách gì?

Bác sĩ Nguyễn Văn Oai: Theo tôi, Bộ Y tế cần sớm tham mưu Chính phủ thành lập Ban An toàn thực phẩm ở tỉnh để đủ sức đảm nhận, thực thi công tác này. Đối với UBND tỉnh cần xem xét, đánh giá, rút kinh nghiệm về Quy định phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, để có những định hướng mới sát hợp với tình hình. Đồng thời, bố trí đủ nguồn lực cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm để triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý ATTP trên địa bàn. Đối với MTTQ, các hội, đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ gia đình ký cam kết đảm bảo ATTP và tham gia giám sát thực hiện pháp luật về ATTP của UBND các cấp tại địa phương...
 

THANH TOÀN
 (thực hiện)

 


.