Ông Trịnh Lam |
Theo ông Lam, tổng kinh phí tổ chức 9 phiên chợ chỉ 1,353 tỷ đồng. Tuy nhiên, với gần 230 gian hàng, các phiên chợ đã góp phần giúp các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm; tiếp nhận ý kiến khách hàng và xây dựng mạng lưới phân phối ở thị trường nông thôn, miền núi, hải đảo. Từ đó có những chiến lược về chất lượng, giá cả hợp lý để sản xuất và cung cấp những mặt hàng thiết yếu cho người tiêu dùng; đồng thời là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên kết mở rộng kinh doanh...
P.V: Doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh đã gặp nhau ở điểm nào trong các phiên chợ hàng Việt?
Ông Trịnh Lam: Ngoài những vấn đề tôi đã nêu trên, qua các phiên chợ người tiêu dùng nhận biết về chất lượng, mẫu mã những mặt hàng sản xuất trong nước. Từ đó có sự so sánh các hàng hóa sản xuất trong nước và các hàng hóa ngoại nhập để quyết định, lựa chọn những mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt. Đây là hoạt động thiết thực nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Gian hàng của các đơn vị tham gia phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Ảnh: PV |
Tại các phiên chợ, mặt hàng mà doanh nghiệp tham gia trưng bày gồm đồ điện, điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, quần áo may sẵn, thực phẩm, phân bón, xe máy, xe điện, bánh kẹo, nước giải khát, sữa, bia, nước khoáng, tạp hóa tổng hợp, giống cây trồng... Hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng đảm bảo lại bán hàng với giá cả hợp lý, phù hợp với mức thu nhập của người dân ở nông thôn, miền núi, hải đảo và công nhân lao động. Do đó “cung – cầu” đã gặp nhau. Người tiêu dùng có điều kiện sắm sửa tiện nghi gia đình, hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết ngay tại địa phương. Còn doanh nghiệp vừa bán được hàng, vừa quảng bá sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng; từng bước thiết lập và chiếm lĩnh thị trường ở những vùng xa xôi, hẻo lánh nhưng khá rộng lớn.
Điều đáng nói nữa là những đơn vị tham gia các phiên chợ đều chấp hành tốt quy định của ban tổ chức như, lập kế hoạch tham gia, đăng ký các mặt hàng, chương trình giảm giá, khuyến mại, quảng cáo, tuyên truyền, chương trình tặng quà cho các em học sinh nghèo hiếu học; đảm bảo về chất lượng hàng hóa, đủ số lượng và chủng loại hàng theo đăng ký và chịu trách nhiệm pháp lý về các hàng hóa đó; niêm yết giá bán thống nhất và bố trí nhân viên bán hàng trong phiên chợ... Về phía ban tổ chức, từ nguồn kinh phí XTTM quốc gia và địa phương, đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phiên chợ hàng Việt.
P.V: Theo ông, đâu là ưu điểm nổi bật của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo thời gian qua?
Ông Trịnh Lam: Trước hết, các phiên chợ tổ chức theo đúng chủ đề là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Sản phẩm hàng hóa tham gia tương đối đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Các doanh nghiệp bán hàng đã góp phần giúp cho người tiêu dùng phân biệt hàng sản xuất trong nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng với hàng ngoại nhập không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng...
Bên cạnh đó, toàn bộ các hoạt động của phiên chợ diễn ra theo đúng kế hoạch, đúng nội dung và có nhiều hoạt động phong phú. Công tác tuyên truyền triển khai sâu rộng với nhiều hình thức và diễn ra liên tục trong nhiều ngày. Việc tổ chức phiên chợ có sự phối hợp của UBND huyện, xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam... đã tạo niềm tin cho người dân đến tham quan, mua sắm.
Đối với doanh nghiệp tham gia phiên chợ, ngoài quảng bá, giới thiệu được sản phẩm, tiếp cận khách hàng... là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên kết mở rộng kinh doanh; có cơ hội giao lưu, học hỏi để rút kinh nghiệm từ thực tế và tạo ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Đối với người dân, qua các phiên chợ hiểu biết thêm về chất lượng, mẫu mã những mặt hàng sản xuất trong nước. Từ đó có sự so sánh với hàng hóa ngoại nhập để quyết định lựa chọn những mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt. Đồng thời họ có cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp, từ đó có những đơn đặt hàng với doanh nghiệp.
P.V: Làm thế nào để “phiên chợ hàng Việt...” tiếp tục phát huy những mặt tích cực đó?
Ông Trịnh Lam: Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên đến thời điểm này, Trung tâm KC&XTTM chỉ tổ chức các phiên chợ hàng Việt trong phạm vi nguồn kinh phí XTTM quốc gia và địa phương cho phép. Vì vậy, số lượng doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký tham gia còn hạn chế.
Theo tôi, để phát huy hiệu quả các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và hải đảo, trong thời gian tới các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền về phiên chợ cũng như chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để vận động doanh nghiệp tham gia và thu hút người dân đến tham quan, mua sắm. Và để có những phiên chợ bài bản, đúng tầm, chúng tôi đã kiến nghị với Cục Xúc tiến thương mại cho tổ chức các phiên chợ có quy mô từ 50 - 60 gian hàng tiêu chuẩn, thời gian kéo dài khoảng 5 ngày, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, tăng thêm tính quảng bá, tuyên truyền nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, Cục XTTM quan tâm duyệt kinh phí tổ chức 10 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo năm 2018 mà Trung tâm KC&XTTM Quảng Ngãi đã đăng ký.
Đây là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực và hiệu quả. Chúng tôi cũng mong đón nhận nguồn đầu tư XTTM của tỉnh nhiều hơn, để tổ chức các phiên chợ quy mô hơn...
THANH TOÀN (thực hiện)