(Báo Quảng Ngãi)- Trong quá trình Sở GTVT áp dụng phần mềm quản lý hoạt động vận tải do Bộ GTVT cung cấp để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đã xảy ra những bất cập, tồn tại, dẫn đến hiệu quả xử lý công việc không cao. Do đó, việc tập trung khắc phục để nâng cao hiệu quả công vụ, cũng như sử dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ hiện đại là điều mà Sở GTVT đang tích cực thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, Trưởng Phòng Vận tải Pháp chế (Sở GTVT) Nguyễn Hữu Đoan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT tại Công văn số 3420, về việc đôn đốc triển khai sử dụng phầm mềm dịch vụ công trực tuyến cấp (đổi) giấy phép kinh doanh vận tải; cấp (đổi) biển hiệu, phù hiệu xe ô tô... Sở GTVT đã nhanh chóng triển khai thực hiện đúng chỉ đạo và 100% hồ sơ, thủ tục được tiếp nhận, xử lý qua phần mềm. “Tuy nhiên, quá trình thực hiện không suôn sẻ, vẫn còn nhiều tồn tại khiến cho quá trình giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân còn gặp nhiều vướng mắc. Hiện Sở đang kiến nghị Bộ GTVT cần có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn”, ông Đoan cho biết.
PV: Xin ông cho biết những bất cập trong quá trình ứng dụng phần mềm của Bộ GTVT cung cấp?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Quá trình triển khai áp dụng phần mềm còn một số điểm bất cập, tồn tại khi thực hiện quy trình giải quyết TTHC. Điển hình là thủ tục cấp (đổi) giấy phép kinh doanh vận tải: Mẫu phôi do Bộ GTVT cung cấp trên toàn quốc cho các Sở GTVT và mẫu phôi được tích hợp trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến chưa đồng nhất (không trùng khớp nội dung thông tin), dẫn đến gây khó khăn cho cơ quan cấp phép khi vừa phải thực hiện đầy đủ quy trình tiếp nhận, giải quyết qua phần mềm để đảm bảo cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý.
Đồng thời, nhân viên thực hiện phải thao tác thêm một bước nhập thông tin, in phôi thủ công qua ứng dụng word, excel. Như vậy, việc xây dựng, ứng dụng phần mềm nhằm cải cách quy trình giải quyết TTHC, nhưng lại không in được mẫu phôi (kết quả cần đạt được khi hoàn thành quy trình) là chưa hợp lý. Với thao tác thủ công, mẫu in nội dung giấy phép kinh doanh vận tải sẽ không thể thống nhất trên toàn quốc và không thể ứng dụng thực hiện bằng chữ ký số.
Những bất cập nêu trên đang khiến cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại trở nên... nửa vời. Người thực hiện công việc gặp khó khi phải vừa dùng máy, vừa dùng tay và tổ chức, cá nhân cũng gặp khó khi phải đi lại nhiều lần để phối hợp giải quyết công việc.
PV: Đối với phần mềm công tác quản lý vận tải đường bộ thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Quản lý hoạt động vận tải đường bộ thời gian qua đã có những đổi mới nhất định, giúp cho công tác quản lý, giám sát dễ dàng hơn. Trong đó, thiết bị giám sát hành trình được gắn trên phương tiện là điểm lớn nhất, thể hiện sự thành công trong quản lý hoạt động vận tải. Tuy vậy, quá trình thực hiện trong thực tiễn vẫn còn bất cập. Hiện công tác quản lý vận tải đường bộ được thực hiện song song 2 phần mềm gồm phần mềm quản lý vận tải đường bộ và phần mềm quản lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Với thời lượng thao tác trên từng phần mềm đối với từng phương tiện mất từ 5-10 phút, trong khi nguồn nhân lực tại địa phương hiện nay không đủ thực hiện đối với hàng chục nghìn phương tiện đang quản lý. Hơn nữa, thông tin về thiết bị giám sát hành trình gắn trên phương tiện đã được yêu cầu nhập vào phần mềm quản lý vận tải, dẫn đến muốn hoàn thành thao tác quản lý phương tiện phải kiểm tra dữ liệu cùng lúc hai thiết bị.
PV: Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc cần làm những gì?
Ông Nguyễn Hữu Đoan: Việc Bộ GTVT cung ứng phần mềm hiện đại để các địa phương thực hiện trong việc giải quyết công việc chung là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bất cập đang tồn tại khiến quá trình giải quyết công việc gặp khá nhiều khó khăn. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận tải nói chung, góp phần cải cách TTHC, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT chỉnh sửa mẫu phôi giấy phép kinh doanh hiện đang phát hành hoặc mẫu phôi in trên phần mềm đảm bảo đồng nhất, phù hợp để cơ quan cấp phép thực hiện đúng theo quy trình, quy định.
Bên cạnh đó, tích hợp hai phần mềm quản lý vận tải đường bộ và quản lý, khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình vào một phần mềm với đầy đủ các tính năng, thông tin liên quan đến quản lý phương tiện để thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc cập nhật thông tin và quản lý hoạt động phương tiện.
PV: Xin cảm ơn ông!
LÊ ĐỨC (thực hiện)