(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng về mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện trong những năm đến.
Theo ông Tùng, huyện sẽ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ và định hướng người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, khắc phục căn bản tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận người dân để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững...
PV: Xin ông cho biết định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện Sơn Tây trong thời gian đến?
Ông Lê Văn Tùng: Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, huyện Sơn Tây xác định nhiệm vụ chính trị hàng đầu là phải tập trung giảm nghèo bền vững cho người dân. Trong đó, huyện cụ thể hóa Kết luận 31 của Tỉnh ủy (về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020), phát huy thế mạnh của địa phương, qua đó lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, sát với đời sống sản xuất của người dân, tạo điều kiện cho bà con vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng (bên phải) kiểm tra mô hình nuôi cá tầm ở xã Sơn Bua (Sơn Tây). |
Theo đó, Sơn Tây sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với chế biến và nhu cầu thị trường. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi trên cơ sở lợi thế của từng vùng. Hình thành các vùng nguyên liệu, nhất là vùng trồng cây công nghiệp, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng có hiệu quả khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Phát triển hợp lý đàn gia súc, gia cầm theo hướng nâng cao chất lượng. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, sử dụng có hiệu quả đất lâm nghiệp...
Giai đoạn 2015 – 2020, huyện Sơn Tây đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,36%/năm. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch và đạt tỷ lệ: Nông - lâm nghiệp và thủy sản 37,07%; công nghiệp - xây dựng 43,07%; dịch vụ 19,86%. Giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 42,01 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 7% trở lên. Có 2/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hằng năm giải quyết việc làm mới và thêm việc làm cho 400 - 500 lao động... |
PV: Vậy giải pháp cụ thể mà huyện sẽ triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Lê Văn Tùng: Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá các mô hình kinh tế đã triển khai trên địa bàn huyện, như nuôi cá tầm, trồng cây mắc ca... để nhân rộng. Đồng thời, lấy kinh tế hộ gia đình làm trọng tâm để tập trung đầu tư phát triển. Hiện nay, huyện đang xây dựng và triển khai Đề án thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ thí điểm trên địa bàn huyện, nhằm “cầm tay chỉ việc”, cũng như làm “bà đỡ” hỗ trợ, dẫn dắt người dân đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng. Qua đó, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản địa phương và kết nối thị trường tiêu thụ, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
PV: Thành lập HTX dịch vụ ở miền núi là việc làm khá mới mẻ, xin ông cho biết rõ hơn mục tiêu, nhiệm vụ việc thành lập HTX dịch vụ trên địa bàn huyện?
Ông Lê Văn Tùng: Việc thành lập HTX dịch vụ của huyện là nhằm thực hiện song trùng mục tiêu “xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc ít người” theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển toàn diện nền kinh tế - xã hội của huyện.
Mô hình trồng cây mắc ca ở huyện Sơn Tây. Ảnh: Thiên Bảo |
HTX sẽ quy tụ các thành phần, cá nhân, hộ gia đình có chung nhu cầu hợp tác, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX; tổ chức hợp tác sản xuất cùng chủng loại sản phẩm quy mô, số lượng lớn để giao dịch ra thị trường bên ngoài. Thiết lập mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa “doanh nghiệp – HTX – nông dân” để tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.
Làm cầu nối triển khai kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn từ các dự án, chương trình (30a, 135, nông thôn mới...) hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển đúng hướng, vươn lên thoát nghèo. Xây dựng thương hiệu hàng hóa là sản phẩm nông - lâm của địa phương, xúc tiến đưa ra thị trường bên ngoài. Chủ động liên kết, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khoa học và doanh nghiệp nghiên cứu phát triển ưu thế giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn để nhân rộng, chuyển giao...
PV: Ngoài việc giúp dân giảm nghèo bền vững, xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp – đô thị trên địa bàn huyện Sơn Tây hiện nay và những năm đến?
Ông Lê Văn Tùng: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 6 công trình, dự án thủy điện/8 nhà máy đã và đang triển khai đầu tư, với tổng công suất 250MW, trong đó có 2 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động là Đắkđrinh và Huy Măng. Các dự án thủy điện sẽ góp phần tạo động lực phát triển ngành công nghiệp và tăng thu ngân sách cho huyện. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án thủy điện, cũng như các dự án lớn khác trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, để “bù đắp” lại sự thiệt thòi của người dân trong việc di dời nhà cửa, nhường đất đai cho các dự án thủy điện, cũng như thường xuyên phải chịu ảnh hưởng bởi “mặt trái” của thủy điện gây ra, như tình trạng sạt lở sông suối, lở núi... làm thiệt hại về cơ sở hạ tầng của huyện, tỉnh cần có cơ chế chính sách đặc thù để lại một phần nguồn thu từ khai thác dự án thủy điện cho ngân sách huyện, để huyện chủ động trong vấn đề đầu tư về an sinh xã hội cho người dân.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện biết rõ và rất trăn trở trước thực trạng đời sống của người dân còn nghèo, còn khó khăn. Nhưng nguồn lực của huyện có hạn, nên việc hoạch định hướng đi trong xóa nghèo bền vững còn quá khó, nên rất cần sự hỗ trợ từ tỉnh và Trung ương. Ngoài ra, huyện rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ tỉnh và Trung ương để huyện đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, xây dựng trung tâm huyện đạt đô thị loại V vào năm 2020, từng bước hình thành thị trấn Đắkdrinh theo mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và huyện Sơn Tây đã đề ra.
PV: Xin cảm ơn ông!
PHẠM DANH (thực hiện)