(Báo Quảng Ngãi)- Đó là đánh giá của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về kết quả giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 6.2017.
Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tôn Long Hiếu, việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cả 3 cấp vẫn còn nhiều bất cập ở tất cả các khâu, chưa bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn. Thậm chí, nhiều quyết định giải quyết bị cải sửa hoặc đình chỉ, yêu cầu xem xét, giải quyết lại...
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Tôn Long Hiếu giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại UBND TP.Quảng Ngãi. |
PV: Thời gian qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức các đợt giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Vậy ông có đánh giá gì về kết quả thực hiện trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong công tác này?
ÔNG TÔN LONG HIẾU: Qua kiểm tra và trực tiếp giám sát từ năm 2014 – 6.2017, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện cơ bản đồng bộ các giải pháp, nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Tổ chức nhiều buổi đối thoại, gặp gỡ trực tiếp người dân; thực hiện cơ chế biệt phái công chức hỗ trợ các địa phương trong giải quyết khiếu nại, nên đã xử lý kịp thời nhiều vụ việc... Nhờ đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo được nâng lên; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cả 3 cấp vẫn còn nhiều bất cập. Một số địa phương giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa bảo đảm đúng quy định của pháp luật và chưa phù hợp với thực tiễn. Thậm chí, nhiều quyết định giải quyết bị cải sửa hoặc đình chỉ, yêu cầu xem xét, giải quyết lại.
PV: Ông có thể nói rõ hơn những bất cập đó?
ÔNG TÔN LONG HIẾU: Theo quy định, nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, người đứng đầu thường né tránh trách nhiệm, nên phân công cho cấp phó hoặc Chánh thanh tra phụ trách, nhất là trong việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất của Chủ tịch UBND các cấp. Có nhiều trường hợp còn ủy quyền cho cấp phó và Chánh Thanh tra chủ trì tiếp công dân nhiều lần trong năm.
Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, thành phố chưa tổ chức thực hiện việc tiếp công dân theo đúng quy định. Việc mở sổ tiếp công dân chưa bảo đảm theo quy định của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể: Nhiều đơn vị còn sử dụng mẫu sổ cũ, ghi chép thông tin trong sổ không đầy đủ, chính xác, cá biệt có trường hợp không mở sổ tiếp công dân định kỳ theo quy định.
Công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện còn trùng lắp; chưa chủ động trong việc theo dõi kết quả sau xử lý đơn để đôn đốc, nhắc nhở trách nhiệm giải quyết của cơ quan có thẩm quyền. Chất lượng phân loại, xử lý đơn ở cấp huyện chưa bảo đảm, vi phạm thời hạn xử lý đơn còn nhiều, có tình trạng không xác định được cơ quan thẩm quyền giải quyết, nên chuyển đơn đến các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không đúng. Chất lượng phân loại, xử lý đơn ở cấp xã còn nhiều hạn chế. Nhiều xã chưa mở đầy đủ các loại sổ sách theo dõi, xử lý đơn; ghi chép thông tin trong sổ không đầy đủ; hồ sơ lưu trữ các vụ việc không bảo đảm, không phản ánh được vụ việc được giải quyết đến đâu. Qua số liệu tiếp nhận đơn cho thấy, số lượng đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân gửi đến các cấp chính quyền trong thời gian qua nhiều và năm sau tăng hơn so với năm trước.
PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của tồn tại trên?
ÔNG TÔN LONG HIẾU: Cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi. Sự tác động của cơ chế thị trường đã làm cho các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai phát sinh ngày càng nhiều. Việc thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân, liên quan đến chính sách đền bù, giải tỏa, tái định cư gia tăng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc bố trí nhân lực thực hiện tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng được yêu cầu, phần lớn bố trí người thiếu năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức pháp luật. Việc lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng, triển khai các dự án, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở một số nơi còn hình thức, thiếu công khai, minh bạch. Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn buông lỏng, hồ sơ lưu trữ sổ sách địa chính chưa đầy đủ. Công tác thanh tra trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chỉ dừng lại ở mức hướng dẫn, chấn chỉnh và đôn đốc, nhắc nhở trách nhiệm; chưa có người đứng đầu nào bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định trong công tác tiếp công dân...
XUÂN THIÊN (Thực hiện)