(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc với phóng viên Báo Quảng Ngãi khi thực hiện dự án “Đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế Trà Bồng”, giai đoạn 2016 - 2020, với quy mô 1.700ha, tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, dự án có ý nghĩa vô cùng lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện, nhất là việc thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Dự án được triển khai sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người trồng quế, cung cấp nguồn nguyên liệu quế có giá trị cao cho công nghiệp chế biến.
-PV: Xin ông cho biết, hiện trạng phát triển cây quế trên địa bàn huyện thời gian qua?
Ông NGUYỄN XUÂN BẮC: Cây quế từ bao đời nay đã trở thành cây trồng truyền thống, mang lại thu nhập chính cho đồng bào Cor ở Trà Bồng, được ví như cây “xóa nghèo” đắc lực cho người dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy diện tích trồng quế còn khá manh mún, nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Người dân vẫn chủ yếu duy trì lối canh tác thủ công, lạc hậu, chưa quan tâm nhiều đến việc thâm canh tăng năng suất, nên chất lượng sản phẩm làm ra chưa có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo số liệu điều tra, khảo sát của huyện thì hiện nay tổng diện tích trồng quế trên địa bàn 7 xã thuộc vùng dự án là hơn 1.280ha, trong đó nhiều xã chỉ có diện tích từ 10 - 15ha; cao nhất là 360ha. Con số ấy thật sự quá khiêm tốn so với hơn 25.700ha đất lâm nghiệp mà huyện hiện có. Vùng quế tập trung quy mô lớn cũng tương đối ít, khoảng 188ha, chiếm 15% diện tích. Ngoài ra, đồng bào Cor đa phần trồng quế trên các đồi núi có độ dốc lớn, nằm cách xa khu dân cư, giao thông đi lại rất khó khăn. Điều đó làm giảm đáng kể giá thành do chi phí vận chuyển quá lớn, đẩy nông dân vào thế bị động, lệ thuộc vào thương lái, rủi ro cao.
-PV: Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế được thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông NGUYỄN XUÂN BẮC: Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy, cơ sở tham gia chế biến các sản phẩm từ quế, với sản lượng tiêu thụ hằng năm khoảng 170 tấn quế. Tuy nhiên, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn huyện Trà Bồng chưa được thực hiện tốt. Hầu như chưa có đơn vị thu mua, chế biến nào tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Sở dĩ có tình trạng này là do nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, chưa áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm chất lượng. Còn nhà chế biến thì chưa đủ nguồn lực để thực hiện việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như chia sẻ lợi ích, rủi ro với nông dân khi giá xuống thấp.
-PV: Ông kỳ vọng điều gì khi Dự án “Đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế” được triển khai?
Ông NGUYỄN XUÂN BẮC: Dự án được thực hiện sẽ góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu, tạo đầu ra ổn định cho cây quế; đồng thời, nâng cao mức sống cho người dân, tạo công ăn việc làm ổn định, hướng tới bảo vệ môi trường sinh thái. Mục tiêu của dự án là đến năm 2020 nâng tổng diện tích trồng quế toàn huyện lên 2.800ha, trong đó hơn 1.780ha vùng chuyên canh. Mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 3.100 tấn vỏ quế và 4.200 tấn cành, lá phục vụ nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu.
Dự án được triển khai tại 7 xã gồm: Trà Sơn, Trà Lâm, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Bùi, Trà Tân và Trà Giang, với 324 hộ dân tham gia. Theo tính toán, tổng lợi nhuận thu về từ dự án sau khi trừ hết chi phí rất cao, gần 300 tỷ đồng; thu nhập tính công lao động khoảng 435 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận/chi phí là 1,6 lần, có nghĩa 1 đồng chi phí bỏ ra thu về được 1,6 đồng lợi nhuận; tỷ lệ thu nhập/chi phí: 2,4 lần, có nghĩa 1 đồng chi phí bỏ ra thu được 2,4 đồng thu nhập. So với trồng keo thương phẩm, quế có giá trị cao hơn gấp nhiều lần, nên khi hình thành vùng chuyên canh sẽ có được lợi thế nhất định.
-PV: Huyện sẽ làm gì để dự án đạt những mục tiêu đã đề ra?
Ông NGUYỄN XUÂN BẮC: Để phục vụ tốt cho dự án, huyện đã đầu tư xây dựng vườn ươm với quy mô 1ha tại xã Trà Thủy, đảm bảo cung ứng 1,9 triệu cây giống có chất lượng. Huyện cũng sẽ đầu tư xây dựng gần 24km đường lâm sinh gồm 11 tuyến; mở 21 lớp tập huấn kỹ thuật tại 7 xã thuộc vùng dự án, bình quân mỗi lớp khoảng 50 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí giống và 40% chi phí vật tư phân bón.
Đặc biệt, huyện chủ trương thành lập Hội Quế Trà Bồng làm đại diện hợp pháp cho người trồng quế, làm cầu nối giữa các cơ quan nhà nước - nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp trong việc sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm quế. Toàn bộ sản lượng quế thu hoạch nằm trong vùng dự án sẽ cung cấp cho các nhà máy, các cơ sở chế biến và thương lái trong và ngoài tỉnh. Về phía nông dân trong vùng dự án có trách nhiệm tự đầu tư công lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng quế và được hưởng lợi toàn bộ giá trị đem lại từ rừng quế.
-PV: Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN TRIỀU
(thực hiện)