Liên kết để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

08:03, 16/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2017, huyện Sơn Tịnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, qua đó xuất hiện nhiều hình thức liên kết sản xuất mang lại hiệu quả.  Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh Phạm Hồng Sơn cho biết như thế.
 
Theo ông Phạm Hồng Sơn, huyện Sơn Tịnh xác định “chìa khóa” để tái cơ cấu nông nghiệp chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp liên kết với nông dân để sản xuất quy mô lớn.

-PV: Xin ông cho biết bước đi cụ thể của huyện trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp?

Ông Phạm Hồng Sơn: Quá trình hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân trên thực tế thông qua các mô hình trên địa bàn huyện đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Điều này tạo niềm tin cho nông dân về việc sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ ổn định, giá cả không bị ép.

 Với phương châm: “Giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, ổn định đầu ra”, các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ được thực hiện với sự tham gia đắc lực từ nhiều phía. Trong đó, ngành nông nghiệp hỗ trợ định hướng sản xuất, nông dân tham gia thực hiện, doanh nghiệp hỗ trợ phương tiện kỹ thuật và bao tiêu nông sản cho nông dân. Trên thực tế, chính doanh nghiệp mới có điều kiện đưa khoa học công nghệ mới vào nông nghiệp và thực sự chịu trách nhiệm với đồng tiền mà họ đầu tư, sản phẩm của mình. Để có lợi nhuận, doanh nghiệp phải tính kế nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Doanh nghiệp mạnh thì nông dân có nhiều công ăn việc làm.

PV: Ngoài liên kết với doanh nghiệp, công tác phát triển sản xuất, tạo thu nhập cho người dân được huyện triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Sơn: Từ các nguồn vốn hỗ trợ, huyện đã triển khai 22 mô hình phát triển sản xuất. Huyện thường xuyên tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật, tổ chức các hội nghị tham quan; thực hiện các mô hình khuyến nông... Về thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; đồng thời ban hành Đề án dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay, UBND huyện đã cho chủ trương thực hiện dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 135ha tại 6 xã. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn trên địa bàn huyện là 27 triệu đồng.
 

Mô hình trồng đậu phụng phủ bạt của nông dân huyện Sơn Tịnh.
Mô hình trồng đậu phụng phủ bạt của nông dân huyện Sơn Tịnh.


-PV: Ông có thể cho biết rõ hơn những kết quả của việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian qua?

Ông Phạm Hồng Sơn: Huyện xác định mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao.


Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất, sản lượng liên tục  tăng. Hiện đang triển khai thực hiện dự án: “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất ngô thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Sơn Tịnh”; tổ chức liên kết sản xuất 4,5ha lúa hữu cơ tại xã Tịnh Sơn; thực hiện 15ha rau sạch tại xã Tịnh Hà...

Đàn gia súc, gia cầm ổn định về số lượng, tăng về chất lượng và giá trị thương phẩm. Huyện tập trung phát triển theo hướng chất lượng và hiệu quả nhờ áp dụng các hình thức lai tạo, sử dụng giống mới, chủ động phòng trừ dịch bệnh. Hiện đang triển khai thực hiện dự án KHCN cấp tỉnh: “Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cái lai Zêbu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh”.

-PV: Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của huyện gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Sơn: Công  tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng tập trung chưa được các địa phương quan tâm đúng mức, còn chủ quan để nhân dân tự phát sản xuất dẫn đến công tác quy hoạch bố trí sản xuất bị phá vỡ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức sản xuất. Tập quán sản xuất của người dân còn nặng về tự túc, tự cấp nên chưa tạo được hệ thống liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm. Kinh tế hợp tác, nhất là các hợp tác xã nông nghiệp vẫn chưa thực sự là chỗ dựa vững chắc cho nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên địa bàn nông thôn còn hạn chế. Số lượng các mô hình và ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, chất lượng chưa cao, trong khi đó đa phần người sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nghề hoặc tập huấn kỹ thuật còn thấp.


NGUYỄN TRIỀU
(thực hiện)

 


.