Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng. |
(Báo Quảng Ngãi)- Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta. Đó là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Đặng Ngọc Dũng đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi nhân tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2000-2015.
-PV: Xin đồng chí hãy đánh giá kết quả tỉnh ta đã đạt được sau 15 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH?
Đồng chí Đặng Ngọc Dũng: Phong trào TDĐKXDĐSVH đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cống hiến của toàn dân vì một cộng đồng, xã hội tiến bộ, nhân văn. Qua đó đã tác động tích cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, nâng cao dân trí, mở rộng dân chủ, bộ mặt nông thôn và đô thị khởi sắc, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong các tầng lớp nhân dân.
Thông qua phong trào, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi; cán bộ - công nhân - viên chức - lao động tận tâm, tận lực, sáng tạo, gương mẫu; bí thư, cán bộ dân vận, mặt trận, hội đoàn thể, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, trưởng thôn cần mẫn, nhiệt tình với công việc. Các phong trào xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn-tổ dân phố văn hóa, xây dựng công sở văn minh-sạch đẹp-an toàn phát triển cả về số lượng và chất lượng. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội chuyển biến tích cực. Các địa phương đã tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở; đồng thời duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao thưởng cho đơn vị xuất sắc tại hội thi Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc tỉnh Quảng Ngãi năm 2016, do Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh tổ chức. Ảnh: T.Phương |
Nhìn chung, phong trào TDĐKXDĐSVH đã trở thành nét đẹp trong suy nghĩ, nếp sống của các cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. Nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí có nội dung văn hóa đi vào cuộc sống, góp phần hình thành và phát triển các nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo ra những chuẩn mực văn hóa mới thấm sâu vào từng cá nhân, hộ gia đình, tập thể và cộng đồng dân cư, tạo nên môi trường văn hóa, nếp sống văn minh, lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua thực hiện phong trào, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và mở rộng, tạo mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân. Phong trào đã góp phần làm thay đổi diện mạo và nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo động lực quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.
-PV: Vậy đâu là những hạn chế, bất cập mà các địa phương, cơ quan, đơn vị cần phải lưu ý khắc phục trong triển khai thực hiện phong trào trong thời gian tới?
Đồng chí Đặng Ngọc Dũng: Kết quả đạt được có ý nghĩa quan trọng, tạo đà để phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, bất cập để có hướng khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu quả của phong trào. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện phong trào chưa được thường xuyên, chặt chẽ và thiếu sự đồng bộ. Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, thiếu sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thiết thực trong triển khai thực hiện phong trào, do đó chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, chưa huy động được sức mạnh của toàn dân trong xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào tuy phát triển mạnh về bề rộng, nhưng thiếu chiều sâu, chưa đồng đều ở các địa phương, vùng, miền. Một số địa phương còn chạy theo thành tích. Phong trào có xu hướng dàn trải, chưa khai thác tốt nhân tố con người trong quá trình thực hiện. Việc xây dựng và phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa ở cơ sở còn thiếu và yếu. Ban chỉ đạo phong trào ở một số địa phương, nhất là ở miền núi hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác thi đua khen thưởng còn chậm, chưa kịp thời động viên khuyến khích các cá nhân, tập thể có thành tích tốt, những gương điển hình tiên tiến…
-PV: Đồng chí hãy cho biết mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2016-2020?
Đồng chí Đặng Ngọc Dũng: Tỉnh ủy khóa XIX vừa mới ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020. Để góp phần thực hiện nghị quyết Tỉnh ủy đề ra cần phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ; văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là động lực cho sự phát triển của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2020, cần phải nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH ở từng gia đình, cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân giữa miền núi với đồng bằng. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; kiên quyết đẩy lùi các tập tục lạc hậu, tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, cần phải tạo sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, chú trọng thể chất và sức khỏe của nhân dân; gắn kết và phát huy tốt vai trò, hiệu quả của phong trào TDĐKXDĐSVH với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng các thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chú trọng kế thừa và phát huy có hiệu quả những thành quả đạt được trong giai đoạn 2000 - 2015 để nâng cao chất lượng, từng bước đưa phong trào đi vào chiều sâu và thực sự của dân, do dân và phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân.
-PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Nhiều gia đình, thôn, tổ dân phố, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa
|
PHƯƠNG LÝ
(thực hiện)