Bà Lê Na-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. |
(Báo Quảng Ngãi)- Sáng nay (10.11), Ban Chấp hành (BCH) Hội LHPN tỉnh long trọng tổ chức Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của các cấp hội, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh. Đại hội sẽ đánh giá, đúc kết bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác hội, phong trào phụ nữ của tỉnh nhiệm kỳ qua; đồng thời đề ra những mục tiêu, giải pháp cho nhiệm kỳ tới... Đó cũng là nội dung mà Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na trao đổi với PV Báo Quảng Ngãi.
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na, trong nhiệm kỳ 2011-2016, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể chính trị, xã hội, lãnh đạo các địa phương; nỗ lực của các cấp hội, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh... nên các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh khóa XVIII đã cơ bản hoàn thành và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
-PV: Xin bà cho biết rõ hơn những kết quả mà phụ nữ tỉnh ta đạt được trong nhiệm kỳ qua?
Bà Lê Na: Kết quả nổi bật nhất là đời sống vật chất, tinh thần của hội viên và các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh được cải thiện đáng kể. Trình độ, năng lực, địa vị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng lên, được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở ngày càng vững mạnh, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và 6 nhiệm vụ công tác hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Từ các phong trào thi đua đã có nhiều gương điển hình cán bộ, phụ nữ được biểu dương. ẢNH: PV |
Các cấp hội đã vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền, chuyển tải đến các tầng lớp phụ nữ những chủ trương của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước. Hơn 95% cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Phong trào giúp đỡ phụ nữ nghèo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình hạnh phúc... ngày càng lan rộng và có hiệu quả.
Đến nay, có 80% cấp huyện, thành phố; 40% cấp xã đăng ký với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp lồng ghép thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Các cấp hội đã vận động các gia đình hội viên phụ nữ đóng góp hơn 700 triệu đồng, hiến 4.500m2 đất, tham gia 2.000 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, góp phần đạt các tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương...
-PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hội và phong trào phụ nữ của tỉnh có những khó khăn gì, thưa bà?
Bà Lê Na: Phong trào, hoạt động của hội cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung bàn bạc, thảo luận để tìm giải pháp tháo gỡ. Cụ thể là, phong trào thi đua chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Việc cụ thể hoá phong trào thi đua thành những chương trình hành động cho phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ chậm được triển khai, nên hiệu quả còn thấp. Công tác nắm bắt tư tưởng; tuyên truyền của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh có lúc chưa kịp thời, chưa thường xuyên. Nội dung, hình thức tuyên truyền ở một số nơi chưa phong phú, đa dạng; một số tuyên truyền viên của hội năng lực còn hạn chế...
Công tác chỉ đạo của các cấp hội còn nặng về văn bản, rập khuôn, thiếu sự chủ động, linh hoạt, chậm cụ thể hoá để tổ chức thực hiện. Chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ nữ các cấp trong tỉnh. Trình độ chuyên môn, tay nghề của phần đông lao động nữ chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vấn đề việc làm của lao động nữ ở khu vực miền núi, nông thôn, khu vực tái định cư chưa được quan tâm đúng mức. Phụ nữ là nông dân thiếu việc làm, khó chuyển đổi nghề khi đất canh tác bị thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất chính sách và giám sát, phản biện xã hội đối với hội cấp huyện và cấp cơ sở còn lúng túng. Công tác cán bộ nữ còn nhiều khó khăn, bất cập; một số chỉ tiêu về tỷ lệ nữ lãnh đạo đạt thấp.
-PV: Vậy mục tiêu trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 là gì, thưa bà?
Bà Lê Na: Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, đề ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phong trào hội ngày một đi lên. Mục tiêu của đại hội là, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, phát huy truyền thống, tiềm năng và sức sáng tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh; nâng cao năng lực cán bộ hội các cấp; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương...
Để hoàn thành mục tiêu đó, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò làm chủ của hội viên, phụ nữ trong hoạt động hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Phát huy nội lực, thế mạnh của hội viên, phụ nữ và tăng cường khai thác các nguồn lực xã hội; đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ hội các cấp...
9 chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2016 - 2021: Phấn đấu có 80% hội viên, phụ nữ được phổ biến thông tin về phong trào thi đua và các cuộc vận động; 100% cơ sở hội tổ chức cho 100% cán bộ, 70% hội viên phụ nữ học tập các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mỗi năm, mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất 3 mô hình/cá nhân phụ nữ tiêu biểu trong các phong trào thi đua, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng; mỗi cơ sở hội tổ chức ít nhất 2 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với nông thôn mới; bồi dưỡng, cung cấp kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình hạnh phúc cho hội viên, phụ nữ có con từ 0-16 tuổi; giám sát nguồn vốn vay và đào tạo nghề, tập huấn cho hội viên, phụ nữ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích… |
TRỊNH PHƯƠNG
(thực hiện)