(Báo Quảng Ngãi)- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Tiến Tân đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi về những việc cần chú trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (BVCSGDTE) trên địa bàn tỉnh thời gian tới.
Ông Tân cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 340.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm gần 27% dân số, trong đó trẻ dưới 6 tuổi là hơn 131.000 trẻ em. Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình trợ giúp, hỗ trợ cho 9.311 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
-PV: Đâu là vấn đề đáng lo ngại trong công tác BVCSGDTE, thưa ông?
Ông Đỗ Tiến Tân: Mặc dù công tác BVCSGDTE trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả đáng mừng, song thực tế cho thấy nhiều vấn đề khiến chúng tôi lo lắng. Đó là toàn tỉnh có hơn 11.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gồm: Mồ côi, bị bỏ rơi, khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS, tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, bạo hành, lao động sớm, vi phạm pháp luật... và có đến hơn 63.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gồm trẻ em bị bạo lực, ngược đãi, trẻ em sống trong gia đình nghèo, cận nghèo...
Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xức trong dư luận xã hội. Việc phát hiện, can thiệp sớm các đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và bị bạo lực, xâm hại... chưa kịp thời.
-PV: Vậy công tác nắm tình hình trẻ em tại các địa phương được thực hiện như thế nào?
Ông Đỗ Tiến Tân: Từ khi thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP và Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 4.2.2008 của Chính phủ về sắp xếp bộ máy tổ chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện, Uỷ ban DS-GĐ&TE tỉnh, huyện giải thể và chuyển chức năng quản lý nhà nước về công tác BVCSGDTE cho ngành lao động-thương binh và xã hội, công tác BVCSGDTE gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các xã, phường, thị trấn và khu dân cư.
Chi đoàn Báo Quảng Ngãi tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: PV |
Hiện nay, đội ngũ cán bộ LĐ-TB&XH cấp xã kiêm nhiệm công tác BVCSGDTE, về nhân sự luôn có sự biến động và khối lượng công việc quá tải, dẫn dến chậm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong hoạt động BVCSGDTE...
Trước năm 2008 có đội ngũ cộng tác viên BVCSGDTE ở thôn, tổ dân phố được hình thành từ bộ máy của Uỷ ban DS-GĐ&TE, còn từ sau năm 2008 đến nay chỉ thực hiện ở lĩnh vực DS-KHHGĐ. Vì vậy, việc thu thập thông tin tình hình trẻ em, việc thực hiện các hoạt động phát hiện, can thiệp, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và trẻ em có nguy cơ bị tổn thương tại cơ sở phần lớn vẫn không có người phụ trách.
-PV: Vậy cần phải làm gì để sớm can thiệp, giúp đỡ kịp thời trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng như trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thời gian tới?
Ông Đỗ Tiến Tân: Để công tác BVCSGDTE trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được tốt hơn, tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các quyền cơ bản, nhằm phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ cho trẻ em, yêu cầu cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác BVCSGDTE.
Đặc biệt, cần phải có sự bố trí về nguồn lực, bố trí đội ngũ cộng tác viên BVCSGDTE ở thôn, tổ dân phố. Việc hình thành hệ thống BVCSGDTE dựa vào cộng đồng, từ thôn, tổ dân phố, khu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Một tin vui là trong kỳ họp vào cuối tháng 9.2016, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc bố trí cộng tác viên BVCSGDTE tại thôn, tổ dân phố trên địa bản tỉnh.
Theo đó, mỗi thôn, tổ dân phố có một cộng tác viên làm công tác BVCSGDTE, các cộng tác viên sẽ được hưởng phụ cấp hằng tháng theo quy định từ nguồn ngân sách tỉnh cân đối, phân bổ hằng năm cho cấp huyện để chi trả và thực hiện từ 1.1.2017. Đây là lực lượng góp phần thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại cộng đồng trong thời gian đến.
PHƯƠNG LÝ (thực hiện)