(Báo Quảng Ngãi)- Việc ban hành và tổ chức thực hiện Quyết định số 2539-QĐ/TU ngày 25.4.2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Bí thư các cấp ủy đảng trong tỉnh với nhân dân, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về việc cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại (TXĐT) với nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) – “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nhân dịp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế TXĐT trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy đảng trong tỉnh với nhân dân, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Viết Chữ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh xoay quanh nội dung này.
-PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả chủ yếu sau 4 năm (2012 - 2016) thực hiện Quy chế TXĐT trực tiếp giữa Bí thư các cấp ủy đảng trong tỉnh với nhân dân?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Qua hơn 4 năm triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế TXĐT, Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy đã thực hiện 13 cuộc; Bí thư 14/14 huyện, thành ủy thực hiện 119 cuộc và 179 Bí thư cấp ủy các xã, phường, thị trấn tổ chức được 915 lượt TXĐT với nhân dân. Đã ban hành 1.047 thông báo, kết luận chỉ đạo giải quyết nhiều kiến nghị, bức xúc chính đáng của nhân dân, trong đó đã giải quyết khoảng 85% các ý kiến. Trong đó, huyện Minh Long giải quyết được 96%, Đức Phổ 93%, Ba Tơ 91%, TP.Quảng Ngãi 90%; các địa phương còn lại cũng đạt trên 80%. Một số vụ việc bức xúc, kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đã được giải quyết thoả đáng; tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ trao đổi với nhân dân huyện Lý Sơn về tình hình khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: X.Thiên |
Qua TXĐT đã giúp Bí thư cấp uỷ, cấp uỷ các cấp gần dân, nghe được nhiều ý kiến của dân; tuyên truyền, giải thích để nhân dân hiểu được chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, tạo sự đồng thuận của xã hội; củng cố, nâng cao niềm tin của dân đối với Đảng, nâng cao trách nhiệm của Bí thư cấp uỷ, trách nhiệm của cấp uỷ, BTV cấp uỷ các cấp. Đứng trước những yêu cầu chính đáng, thiết thực của nhân dân, đồng chí Bí thư cấp uỷ, Ban Thường vụ cấp uỷ thấy rõ hơn trách nhiệm; không ngừng tự học tập, rèn luyện nâng mình lên xứng đáng với mong đợi, niềm tin của nhân dân. Để chuẩn bị cho một cuộc TXĐT, Bí thư cấp uỷ phải nghiên cứu kỹ tình hình nơi đối thoại; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đề ra các giải pháp cụ thể để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.
-PV: Theo đồng chí, một cuộc TXĐT đạt yêu cầu phải đảm bảo những mục tiêu nào?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Theo tôi, phải nhằm vào 3 mục tiêu chủ yếu sau:
Thứ nhất, người đứng đầu cấp uỷ và thông qua đó là cấp uỷ và BTV cấp uỷ trực tiếp lắng nghe nhân dân phản ánh những bức xúc, khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực; những kiến nghị của người dân yêu cầu cấp uỷ, chính quyền phải giải quyết; đồng thời cũng nghe nhân dân “hiến kế” cho cấp uỷ về cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm AN-QP, xây dựng Đảng, xây dựng đời sống mới cho nhân dân; nghe, chuyển tải các sáng kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân vào các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Thứ hai, Bí thư cấp uỷ phải trực tiếp truyền đạt, giải thích, hướng dẫn và vận động nhân dân tự giác, hăng hái thi đua thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua lắng nghe ý kiến người dân, Bí thư cấp uỷ phát hiện những chủ trương, quy định chưa phù hợp thực tiễn thì kịp thời xem xét, điều chỉnh, bổ sung, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế.
Thứ ba, qua nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, Bí thư cấp uỷ có thông tin thực tế về hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, mặt mạnh, mặt yếu. Quan trọng hơn là, nghe nhân dân nhận xét, đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm, văn hoá ứng xử của đội ngũ cán bộ đối với người dân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung chính sách về tổ chức bộ máy và thực hiện các chính sách về cán bộ; làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh hơn, Đảng gần dân hơn, dân tin Đảng hơn.
-PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế TXĐT còn những mặt hạn chế gì, thưa đồng chí?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Một số Bí thư cấp uỷ, nhất là cấp xã nhận thức chưa thật sự đầy đủ, chưa thực hiện nghiêm túc Quy chế TXĐT của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; một số cấp uỷ chưa xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 2539; thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện những vụ việc đã thông báo kết luận, chỉ đạo giải quyết. Công tác chuẩn bị cho buổi TXĐT có mặt còn hạn chế; chưa khảo sát, nắm chắc tình hình; diễn biến tâm tư, tình cảm của nhân dân; chưa chủ động khảo sát, phát hiện những bức xúc của người dân ở cơ sở. Một số cuộc TXĐT còn bị động; khi vấn đề còn đơn lẻ, ở cơ sở thì không giải quyết, khi trở nên phức tạp, khiếu nại đông người thì mới tổ chức TXĐT để giải quyết, làm cho nhiều vấn đề từ đơn giản trở nên phức tạp.
Năng lực một số Bí thư cấp uỷ chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa nắm chắc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tế ở địa phương; một số đồng chí còn thiếu tinh thần trách nhiệm; có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm dẫn đến làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của việc TXĐT.
Kết quả giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của nhân dân sau tiếp xúc, đối thoại có mặt còn hạn chế, một số việc chưa làm được. Nguyên nhân chủ yếu là, một số kiến nghị của người dân không đúng quy định của pháp luật; tiềm lực kinh tế của tỉnh còn khó khăn, chưa đủ nguồn lực tài chính để giải quyết một số kiến nghị của nhân dân sau TXĐT; thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện. Quy chế phối hợp thực hiện các kết luận sau TXĐT giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị chưa rõ ràng. Việc phân công cơ quan, cá nhân chịu trách nhiệm đảm bảo đến cùng việc giải quyết các kiến nghị sau TXĐT còn nhiều hạn chế.
-PV: Để khắc phục những vấn đề còn hạn chế nêu trên, đồng chí có những chỉ đạo gì trong công tác này thời gian tới?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Trước mắt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung Quy chế TXĐT giữa Bí thư cấp uỷ với nhân dân cho phù hợp với yêu cầu mới; đồng thời khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém trong thời gian qua. Ban hành, tổ chức thực hiện quy định người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp; thủ trưởng các sở, ngành lắng nghe, trả lời, giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân.
Căn cứ quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp uỷ các cấp cần xây dựng quy chế, kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế TXĐT; có chế tài xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. TXĐT giữa Bí thư cấp uỷ với nhân dân phải được xem là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Nâng cao năng lực tiếp thu, giải trình và tổ chức thực hiện ý kiến, kiến nghị, đề xuất từ nhân dân của Bí thư cấp uỷ và người đứng đầu hệ thống chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Làm rõ trách nhiệm và việc thực hiện trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các kết luận sau TXĐT; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiến độ giải quyết các kiến nghị, yêu cầu chính đáng của người dân. Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các kết luận của Bí thư cấp uỷ sau TXĐT; trong việc giám sát, tiếp thu các hiến kế xây dựng Đảng, Nhà nước của nhân dân.
Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các cấp chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp thực tiễn để lắng nghe, hiểu và giải quyết kịp thời các kiến nghị của nhân dân. Trước mắt, yêu cầu Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND các cấp cần phải công khai cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn biết số điện thoại và địa chỉ thư điện tử để tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị của nhân dân.
-PV: Xin cảm ơn đồng chí!
P.Đức-Q.Tuấn (Thực hiện)