Không chủ quan trong ứng phó với thiên tai

06:08, 07/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8.2016 đã có 2 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông. Cơn bão số 1 đã gây thiệt hại nặng nề cho một số tỉnh như Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội... Thiên tai, bão lũ ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường và tần suất, cường độ ngày càng tăng.


Ông Phan Văn Ơn - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh cho rằng: “Quảng Ngãi là một tỉnh nằm trong khu vực Duyên hải miền Trung thường xuyên bị bão, lũ nên công tác PCTT&TKCN luôn mang tính thường trực đối với cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trong tỉnh...”.

Ông Phan Văn Ơn cho biết, dù năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, tình hình thiên tai tại Quảng Ngãi không diễn biến phức tạp như những năm trước, nhưng những yếu tố bất thường xuất hiện trên địa bàn tỉnh rất đáng lo ngại. Đơn cử như mưa lũ xảy ra từ ngày 24 - 27.3.2015, đã gây thiệt hại nặng về tài sản nhân dân các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Mộ Đức, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành.

Đây là đợt mưa, lũ có lượng mưa vùng núi đạt mức lịch sử so với cùng thời kỳ trong chuỗi số liệu từ năm 1977 đến nay. Hoặc cuối năm 2015 và đầu năm 2016, các đợt không khí lạnh diễn ra bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ sản xuất đông xuân, kéo theo thu nhập, đời sống của nhân dân cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong quý II/2016 các đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, đã ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân và nước phục vụ sản xuất ở một số vùng trong tỉnh... Những hiện tượng thời tiết cực đoan này cho chúng ta một bài học là, không bao giờ được chủ quan trong ứng phó với thiên tai...

-P.V: Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có những dự lường và giải pháp gì trong công tác này từ nay đến cuối năm?

Ông Phan Văn Ơn: Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi, khả năng trong những tháng cuối năm 2016 bão, lũ sẽ diễn biến phức tạp. Do đó phải triển khai thực hiện các biện pháp PCTT ngay từ bây giờ, với mục tiêu chung là không để xảy ra thiệt hại về người, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản  của Nhà nước và nhân dân.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, bao gồm cơ quan, công ty, doanh nghiệp, huyện, thành phố theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Ban chỉ huy đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thực hiện trách nhiệm kiểm tra công tác PCLB của Ban chỉ huy cấp trên đối với Ban chỉ huy  cấp dưới...

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các cơ quan, ban, ngành... rà soát lại phương án ứng phó thiên tai của đơn vị, địa phương mình, đảm bảo sát thực tế, thực hiện hiệu quả, khả thi; yêu cầu không chủ quan trong công tác PCTT&TKCN; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai đến cộng đồng nhân dân, đảm bảo mục tiêu: “Nhân dân phải hiểu được phương án của địa phương, cán bộ nhân viên phải hiểu được phương án của cơ quan, đơn vị”. Trong đó cần lưu ý việc thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

Các đơn vị, địa phương phải quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản trong PCTT&TKCN là: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và hiệu quả. Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức, cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau. Kinh nghiệm từ những năm qua cho thấy, địa phương nào thực hiện tốt nguyên tắc PCTT&TKCN và chủ động “4 tại chỗ” thì càng giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

 Các công trình đê kè, luôn được nhà thầu khẩn trương thi công và hoàn thành trước mùa mưa lũ.
Các công trình đê kè, luôn được nhà thầu khẩn trương thi công và hoàn thành trước mùa mưa lũ.



-P.V: Ông có thể cho biết cụ thể hơn  về công tác PCTT ở vùng sạt lở, vùng trũng và trên biển?

Ông Phan Văn Ơn: Đối với những vùng trũng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã lập bản đồ, khoanh vùng ngập trũng trong tỉnh và triển khai đến từng thôn. Trong đó đã cụ thể hóa khi mức báo động cấp mấy thì chuyển dân đến địa điểm nào... Còn với vùng sạt lở ven sông, ven biển, khu vực miền núi, các địa phương đã lên phương án khắc phục và đưa vào phương án PCTT. Chúng tôi đang tập hợp đề xuất của các huyện về khắc phục các điểm sạt lở trình UBND tỉnh, để tỉnh báo cáo Bộ NN&PTNT có kế hoạch phân bổ kinh phí triển khai.

Về phòng chống thiên tai trên biển, các ngành chức năng sẽ thường xuyên thông báo tình hình bão, áp thấp nhiệt đới để ngư dân chủ động phòng tránh từ xa. Hiện có một khó khăn là, vùng tránh trú bão của tàu thuyền không đủ. UBND tỉnh đang xin mở rộng các vùng neo đậu tàu thuyền, như Mỹ Á (Đức Phổ), Sa Kỳ (TP. Quảng Ngãi), Lý Sơn để có thể đảm bảo đủ chỗ neo trú tàu thuyền trong tỉnh khi có bão.


THANH TOÀN
(thực hiện)



 


.