(Báo Quảng Ngãi)- Đó là ý kiến của ông Nguyễn Công Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng về công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị trên địa bàn tỉnh, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị.
Theo ông Nguyễn Công Hoàng, mặc dù các địa phương đã có quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, quy hoạch ngành và tập trung nguồn vốn đầu tư để xây dựng, chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, việc quy hoạch và thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, dẫn đến hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là ở các đô thị chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển và thiếu tính đồng bộ.
-PV: Nguồn vốn đầu tư còn hạn chế là rào cản ảnh hưởng đến quá trình đầu tư kết cấu hạ tầng, vậy hạn chế thể hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Công Hoàng: Hạn chế thể hiện rõ trong vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư. Thực tế cho thấy nguồn vốn đầu tư mới chủ yếu dựa vào đầu tư từ ngân sách nhà nước, chưa huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để đầu tư, thiếu cơ chế, chính sách đột phá thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, việc phân bổ nguồn lực đầu tư vẫn còn bất cập, còn dàn trải, đầu tư không căn cứ vào nguồn lực thực tế nên dẫn đến nợ xây dựng cơ bản, một số dự án đầu tư công kém hiệu quả...
-PV: Vấn đề đặt ra trong việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị trong thời gian tới là gì?
Ông Nguyễn Công Hoàng: Có rất nhiều việc phải làm, song chủ yếu tập trung vào hai nhiệm vụ chính là đẩy mạnh công tác quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch. Quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH phải đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực và phát huy hiệu quả của liên kết vùng.
Đồng thời, phải phát huy mặt mạnh của kinh tế thị trường, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại.
Trước hết là tập trung xây dựng các đô thị: TP.Quảng Ngãi, Đức Phổ, Châu Ổ, Di Lăng để làm động lực thúc đẩy cho các đô thị còn lại bằng nhiều hình thức, nhất là hình thức hợp tác công-tư (PPP). Ngân sách nhà nước chỉ đầu tư vào các công trình thiết yếu, các công trình mà tỉnh không thể huy động được từ các nguồn lực xã hội.
LÊ ĐỨC (thực hiện)