(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh. Đây là dịp để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực ở Trung ương và địa phương... Nhân dịp này, đồng chí Lê Viết Chữ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh đã trả lời phỏng vấn của Báo Quảng Ngãi xoay quanh công tác triển khai, chỉ đạo công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp tại tỉnh ta.
-PV: Thưa đồng chí, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở tỉnh ta được triển khai như thế nào?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Ngay sau Hội nghị triển khai công tác bầu cử ở Trung ương, ngày 5.2.2016, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở tỉnh. Cấp huyện, thành phố cũng đã khẩn trương tổ chức Hội nghị triển khai công tác bầu cử ở địa phương. Để lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử ở địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 ở địa phương được Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN phối hợp triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định của Luật Bầu cử. Ủy ban bầu cử (UBBC) các cấp đã ấn định số lượng, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021 được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.
Cụ thể, 19 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, được bầu 55 đại biểu; 153 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, thành phố được bầu 468 đại biểu; 1.307 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn được bầu 4.780 đại biểu. UBND các cấp quyết định thành lập 199 UBBC, 1.482 Ban bầu cử; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị vũ trang nhân dân đã quyết định thành lập 1.341 Tổ bầu cử ở 1.341 khu vực bỏ phiếu để thực hiện công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các cấp đã tổ chức xong các Hội nghị hiệp thương và đang phối hợp tổ chức cho những người ứng cử tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử; UBBC các cấp đã lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp theo từng đơn vị bầu cử và đã niêm yết danh sách những người ứng cử, tiểu sử tóm tắt những người ứng cử đúng thời gian theo quy định của Luật Bầu cử.
Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ cấp xã đến cấp tỉnh đã được tổ chức thực hiện khẩn trương, chặt chẽ, đúng tiến độ và đúng quy định của pháp luật.
-PV: Từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều thời gian, đồng chí có những chỉ đạo gì để cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh diễn ra thành công?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Thời gian từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, khối lượng công việc còn lớn. Để đảm bảo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh đạt kết quả, thành công tốt đẹp; Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban chỉ đạo bầu cử ở tỉnh và các tổ chức phụ trách công tác bầu cử tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất: Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị các phương tiện phục vụ công tác bầu cử như: Thùng phiếu, con dấu của Tổ bầu cử, phiếu bầu cử, việc trang trí phòng bỏ phiếu... và việc bố trí, phân công cán bộ, nhân viên các Tổ bầu cử để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong ngày bầu cử ở các Tổ bầu cử.
Thứ hai: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện chặt chẽ công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; có phương án phù hợp với tình hình cụ thể ở mỗi địa phương, của từng khu vực bỏ phiếu; xử lý và giải quyết kịp thời những tình huống, điểm nóng (nếu có) trước, trong và sau bầu cử. Không để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc bầu cử, đánh cắp tài liệu, phiếu bầu cử, gây mất an ninh trật tự trong ngày bầu cử.
Thứ ba: Các tổ chức phụ trách công tác bầu cử trong tỉnh tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện tốt các công việc trong ngày bầu cử, tổ chức tốt việc kiểm phiếu, xác định kết quả bầu cử và thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về công tác bầu cử kịp thời theo đúng quy định.
Thứ tư: Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện công tác bầu cử ở địa phương.
Thứ năm: Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo bầu cử của tỉnh, căn cứ các quy định pháp luật về bầu cử, kế hoạch, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh... chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bầu cử ở địa bàn đã được phân công; thành viên UBBC, các Ban bầu cử tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành luật pháp về bầu cử.
-PV: Sự thành công của công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 là cử tri lựa chọn bầu được những đại biểu đủ đức, đủ tài để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vậy đồng chí có những lưu ý gì về vấn đề này đối với cử tri, UBBC các cấp trong tỉnh?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Để cử tri lựa chọn, bầu được những đại biểu đủ đức, đủ tài để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; bầu đủ số lượng đại biểu theo quy định và đúng với cơ cấu đã định hướng, các cấp, các ngành, các tổ chức phụ trách bầu cử chỉ đạo đẩy mạnh đợt cao điểm các hoạt động tuyên truyền về bầu cử, tập trung tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc bầu cử, về quyền bầu cử, trách nhiệm của cử tri trong bầu cử; các nguyên tắc, thể lệ bầu cử, tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; thường xuyên thông báo ngày giờ bầu cử, địa điểm bỏ phiếu, tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi của cử tri để ngày bầu cử thật sự là ngày hội của toàn dân.
Ngoài việc tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử của những người ứng cử, các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử thường xuyên thông báo số lượng đại biểu được bầu ở từng đơn vị bầu cử, giới thiệu danh sách và tiểu sử tóm tắt những người ứng cử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cử tri tìm hiểu, lựa chọn những người tiêu biểu về đức, về tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân để bầu vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
-PV: Thưa đồng chí, Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những công việc gì sau khi bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc?
Đồng chí LÊ VIẾT CHỮ: Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 kết thúc, các tổ chức phụ trách bầu cử khẩn trương tiến hành kiểm phiếu, xác định kết quả bầu cử, tổng kết cuộc bầu cử để báo cáo cơ quan có thẩm quyền và công bố danh sách những người trúng cử, xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu HĐND theo quy định.
Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016- 2021 để bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND trong số đại biểu HĐND (đối với cấp tỉnh, HĐND bầu Chánh Văn phòng HĐND tỉnh trong số đại biểu HĐND); bầu Chủ tịch UBND trong số đại biểu HĐND, bầu các Phó Chủ tịch và Ủy viên UBND, nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
-PV: Xin cảm ơn đồng chí!
PHÚ ĐỨC (thực hiện)
TIN, BÀI LIÊN QUAN |