(Báo Quảng Ngãi)- Việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện là nhằm đảm bảo lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) phát triển bền vững, vận hành an toàn, nâng cao chất lượng điện năng... Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi tiến độ thực hiện chủ trương trên khá chậm. Ông Nguyễn Thanh-Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi (QNPC) cho biết thêm về việc thực hiện chủ trương này trong thời gian đến.
-PV: Ông có thể khái quát về các mô hình quản lý LĐHANT trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Ông Nguyễn Thanh: Hiện QNPC đã cung cấp điện cho 14/14 huyện, thành phố, gồm 184/184 xã, phường, thị trấn đã có điện. Số hộ dân có điện đạt gần 99%. Trong đó, QNPC bán điện khoảng 58% số hộ tại 117 xã, phường, thị trấn và 23 xã bán xen kẽ với các tổ chức quản lý điện nông thôn gồm 6 Công ty Cổ phần Dịch vụ điện huyện là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Minh Long và 2 HTX là Bình Hiệp và Bình Thạnh (Bình Sơn). Các tổ chức này bán điện đến khoảng 42% số hộ toàn tỉnh tại 43 xã và 23 xã bán xen kẽ với QNPC.
-PV: UBND tỉnh vừa có thông báo chỉ đạo việc bàn giao LĐHANT từ các tổ chức quản lý điện nông thôn cho QNPC, quan điểm và nguyên tắc bàn giao như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh: Ngày 31.3.2016, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô ký ban hành thông báo kết luận tại cuộc họp bàn giao LĐHANT trên địa bàn tỉnh cho ngành điện. Nội dung thông báo có nêu: Về quan điểm bàn giao, UBND các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Minh Long thực hiện việc bàn giao lưới điện theo lộ trình phù hợp với tình hình địa phương. Rút kinh nghiệm từ việc bàn giao LĐHANT tại huyện Đức Phổ, UBND các huyện chỉ đạo Công ty Cổ phần Điện, hợp tác xã dịch vụ điện phối hợp với QNPC lập phương án giao nhận lưới điện; xử lý tất cả các vướng mắc, tồn tại để bàn giao. Trường hợp các bên chưa thống nhất được phương án giao nhận, thì tổng hợp tình hình, gửi Sở Công thương nghiên cứu tham mưu, đề xuất cụ thể để UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Về nguyên tắc, việc bàn giao thực hiện trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành và thông tư hướng dẫn của các Bộ. Việc bàn giao LĐHANT phải tự nguyện, có sự bàn bạc, thống nhất giữa bên giao và bên nhận, phải khách quan, bình đẳng; thực hiện bàn giao nguyên trạng cả về tài sản, người lao động, tài chính và khách hàng...
Theo ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện nay ngành điện đang cam kết với Chính phủ tăng năng suất lao động bằng giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh. Do vậy, khi tiếp nhận LĐHANT ngành điện sẽ tiếp nhận mỗi xã có lưới điện bàn giao một lao động.
Công nhân điện lực Quảng Ngãi hoàn thiện hệ thống lưới điện ở xã An Bình (Lý Sơn). Ảnh: PV |
-PV: Ông cho biết một số kết quả và kế hoạch đầu tư nâng cấp LĐHANT sau khi nhận bàn giao?
Ông Nguyễn Thanh: Thời gian đến, nếu địa phương nào thống nhất bàn giao lưới điện cho QNPC, hai bên sẽ phối hợp lập phương án bàn giao lưới điện. Sau khi tiếp nhận, QNPC sẽ cho tiến hành sửa chữa tối thiểu để đảm bảo vận hành cấp điện an toàn, đảm bảo chất lượng. Cho tiến hành lập dự án trình EVN CPC để đầu tư sau một năm kể từ ngày tiếp nhận, trong đó tập trung nâng cấp cải tạo lưới điện các xã thuộc Chương trình nông thôn mới giai đoạn I và sau đó là các xã thuộc Chương trình nông thôn mới giai đoạn II.
Như tại huyện Đức Phổ, để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện sau tiếp nhận lưới điện, đến tháng 8.2015 QNPC đã hoàn thành 100% việc thay thế công tơ và ký lại 100% hợp đồng mua bán điện. Đồng thời, QNPC đã báo cáo Tập đoàn Điện lực và Tổng Công ty Điện lực miền Trung xin đầu tư dự án cải tạo lưới điện các xã mới tiếp nhận, với nguồn vốn dự kiến khoảng 157 tỷ đồng, lộ trình thực hiện từ 2015- 2018. Trong đó sẽ hoàn thành cải tạo, sửa chữa các khu vực lưới điện tạm bợ, mất an toàn, các xã xây dựng nông thôn mới trong năm 2015 - 2016...
Khi tiếp nhận LĐHANT ngành điện đảm bảo năng lực để đầu tư phát triển, hiện đại hóa lưới điện, nâng độ tin cậy cấp điện, giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố lưới điện, đồng thời đáp ứng đủ điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
THANH TOÀN
(thực hiện)