(Báo Quảng Ngãi)- Đó là khuyến cáo của ông Phạm Bá – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi khi đề cập đến tình hình dịch hại cây trồng vụ đông xuân 2015-2016. Ông Bá đề nghị, khi sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bà con nông dân nên thực hiện đúng theo hướng dẫn để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường.
-PV: Ông có thể đưa ra vài dự báo về tình hình dịch hại cây trồng trong vụ đông xuân này?
Ông Phạm Bá: Trong vụ đông xuân này toàn tỉnh sạ trên 38.900ha lúa và trên 32.000ha rau màu; đậu, bắp, mì, mía, quế, tỏi, rau đậu các loại. Đa số loại cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển và có loại đang thu hoạch.
Về tình hình dịch hại cây trồng, chỉ tính riêng cây lúa, hiện tại toàn tỉnh có 1.951ha đang bị chuột xâm hại; 1.567ha nhiễm bệnh đạo ôn lá, bẹ lá; trên 37,5ha bị nhiễm rầy nâu... Diện tích bị nhiễm rầy tuy ít nhưng dự báo trong thời gian đến, nhất là giai đoạn từ giữa đến cuối tháng 3.2016, rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ gây hại trên diện rộng. Nếu chúng ta tổ chức diệt trừ không kịp thời thì trên lúa sẽ xuất hiện hiện tượng “cháy rầy”. Và như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng của lúa.
-PV: Hiện tượng chuột cắn phá lúa đang là nỗi lo của nhiều nông dân, ông có những khuyến cáo gì về cách diệt trừ, hạn chế thiệt hại?
Ông Phạm Bá: Trong năm 2014 và 2015 Quảng Ngãi không có lũ lớn. Vì vậy, chuột có điều kiện tích lũy nguồn và phát sinh phát triển, gây hại trên diện rộng. Đối với cây lúa, giai đoạn làm đòng rất mẫn cảm với chuột, nên nông dân cần chú ý giai đoạn này.
Nông dân chủ động phun thuốc diệt trừ sâu rầy hại lúa. Ảnh: T.T |
Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do chuột gây ra đối với lúa và hoa màu, theo tôi các địa phương cần tiếp tục phát động và duy trì phong trào toàn dân ra quân diệt chuột. Trong đó, cần chú ý việc sử dụng bã sinh học kết hợp với các biện pháp thủ công như đào bắt; đặt bẫy sập, bẫy kẹp... Về lâu dài, để hạn chế chuột phá hại cây trồng, chúng ta phải bảo vệ và phát triển thiên địch của chuột như rắn, trăn, chim cú mèo... Đặc biệt, các địa phương cần phát động nông dân nuôi mèo để cân bằng hệ sinh thái. Có như vậy mới hạn chế được sự sinh sôi của chuột gây hại.
-PV: Nếu lúa bị bệnh đạo ôn và nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng, cách phòng trừ như thế nào sẽ đem lại kết quả tốt?
Ông Phạm Bá: Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, chuột gây ra đối với sản xuất nói chung, Chi cục Bảo vệ thực vật đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các HTX nông nghiệp vận động và hướng dẫn bà con nông dân trong thời gian từ nay đến ngày 15.3.2016 thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, thực hiện tốt một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh và tập trung diệt chuột.
Nông dân cần thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, nhất là những ruộng sạ dày, xanh tốt để sớm phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng. Khi thấy mật độ rầy từ 2 đến 3 con trở lên/dảnh lúa, bà con dùng một trong các loại thuốc như Chess 50WG, Azorin 400WP, Ohsin 200WP, Bassa 50EC, Imitox 700WG... để phun trừ.
Đối với bệnh đạo ôn lá, cổ bẹ lá, nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nhất là chân ruộng xanh tốt; các giống lúa nhiễm bệnh. Nếu phát hiện vết bệnh, bà con dùng các loại thuốc như Fuji-One 40EC, Beam 75WP, Fuan 40EC, Ninja 35EC, Tridozol 75EP, Filia 525SE… phun trừ. Còn đối với bệnh đạo ôn cổ bông, khi những chân ruộng đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, cổ bẹ lá; những chân ruộng xanh tốt; các giống lúa bị nhiễm bệnh... tốt nhất khi lúa trổ nên phun phòng hai lần bằng một trong các loại thuốc như Fuji-One 40EC, Beam 75WP, Fuan 40EC, Ninja 35EC, Tridozol 75WP, Filia 525SE, Kasai 92SC…
“Khi phun thuốc trừ bệnh đạo ôn cho lúa phải ngưng bón các loại phân, giữ nước trong ruộng. Tuyệt đối không được phun chung với bất kỳ chất kích thích hay phân bón lá nào... Chỉ được phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Nồng độ và liều lượng thuốc, lượng nước của từng loại thuốc cần thực hiện theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Khi phun thuốc phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng”. Ông Phạm Bá - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi. |
THANH TOÀN
(thực hiện)