(Báo Quảng Ngãi)- Thị trấn Đức Phổ mở rộng vừa được công nhận là đô thị loại IV. Đây là cơ sở để huyện tiếp tục đầu tư xây dựng Đức Phổ trở thành thị xã thuộc tỉnh. Ông Trần Em - Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ đưa ra một số thông tin về tiến độ thực hiện Đề án xây dựng Đức Phổ thành thị xã trong thời gian đến.
-PV: Xin ông cho biết chủ trương và mục tiêu thành lập thị xã Đức Phổ và một số phường thuộc thị xã Đức Phổ?
Ông TRẦN EM: Đề án thành lập thị xã Đức Phổ và 7 phường thuộc thị xã Đức Phổ nhằm định rõ mô hình tổ chức hành chính phù hợp với địa bàn đô thị, tạo thương hiệu thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thành lập thị xã Đức Phổ phù hợp với định hướng của Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020; phù hợp với định hướng của UBND tỉnh Quảng Ngãi về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 02 - NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ngãi khóa XVIII...
Một trong những trục đường chính của thị trấn Đức Phổ. |
Thị xã Đức Phổ và các phường thuộc thị xã sau khi được thành lập sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở khu vực ven biển Duyên hải miền Trung, tạo mối liên kết hợp lý trong mỗi vùng, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời phù hợp với xu thế phát triển chung của tỉnh và cả nước...
-PV: Khu vực thị trấn Đức Phổ mở rộng đã đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, theo ông đó là những mặt nào?
Ông TRẦN EM: Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý quy hoạch thực tế vẫn còn hạn chế. Tình trạng vi phạm trong các hoạt động liên quan đến đô thị, trật tự xây dựng đô thị, trật tự an toàn giao thông còn xảy ra. Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị vẫn ở quy mô nhỏ lẻ chưa hình thành các dự án lớn mang tính đồng bộ. Một số dự án quy hoạch chi tiết đã được duyệt nhưng triển khai các bước tiếp theo còn chậm. Công tác quản lý thực hiện dự án trên địa bàn còn nhiều bất cập, khả năng mời gọi đầu tư còn hạn chế. Các công trình kiến trúc chưa được quản lý và cấp phép đồng bộ nên bộ mặt đô thị chưa đẹp và hiện đại...
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, mặc dù đã được quan tâm đầu tư mạnh trong những năm gần đây, nhưng còn hạn chế. Tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng còn chậm, do thiếu vốn đầu tư. Một số công trình đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, thời gian kéo dài, chất lượng chưa cao. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng xã hội cũng chưa tương xứng với tầm vóc đô thị loại IV...
-PV: Việc triển khai Đề án thành lập thị xã Đức Phổ đã và đang thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông TRẦN EM: Ngoài việc đầu tư xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại IV, từ cuối tháng 2.2016 chúng tôi đã bắt đầu thực hiện dự án thông qua việc lập đề cương, dự toán và ký hợp đồng tư vấn...
Theo kế hoạch, từ tháng 4 đến tháng 5 tới sẽ tiến hành các bước như thu thập số liệu, tổng hợp, phân tích, hiệu chỉnh Đề án trình Huyện ủy thông qua. Khoảng ngày 10.6, chúng tôi báo cáo Đề án đến các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh, sau đó cùng tham gia hiệu chỉnh, bổ sung để UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua nội dung Đề án. Dự kiến, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9.2016, UBND tỉnh sẽ trình Chính phủ và Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ cơ sở đến huyện, tỉnh, chúng tôi hy vọng trong năm 2016, Đức Phổ sẽ được công nhận là thị xã trực thuộc tỉnh.
THANH TOÀN
(thực hiện)