Hướng đến thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao

07:02, 18/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ông Nguyễn Duy Nhân – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2016.

Ông Nhân cho biết, trong năm 2015, toàn tỉnh có 1.690 người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 120,7% so với kế hoạch tỉnh giao, tập trung nhiều nhất ở các thị trường Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc... Qua đó đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu thập và đời sống cho một bộ phận người lao động, nhất là hộ nghèo, hộ ở khu vực nông thôn, miền núi.

-PV: Được biết, công tác XKLĐ hiện gặp không ít khó khăn, ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Nhân: Một số thị trường truyền thống đối với lao động của tỉnh ta như Hàn Quốc, Malaysia hiện nay gặp nhiều khó khăn. Chính phủ Hàn Quốc chưa cho phép tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình EPS, trong khi đây là chương trình rất hiệu quả, thu hút số lượng lớn lao động của tỉnh ta. Thị trường Malaysia tuy tiếp nhận số lượng lớn lao động nhưng có thu nhập không cao nên ít thu hút lao động. Một số thị trường khu vực Trung Đông do ảnh hưởng tình hình chính trị và ảnh hưởng bởi sự thiếu ý thức của lao động Việt Nam đã quyết định dừng tiếp nhận và cắt giảm lao động Việt Nam. Còn các thị trường như Đức và một số nước Châu Âu có tiếp nhận lao động Việt Nam nhưng với số lượng rất hạn chế và đòi hỏi tiêu chuẩn tuyển chọn lao động rất cao.

Người lao động tìm hiểu thông tin xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Người lao động tìm hiểu thông tin xuất khẩu lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.


Hơn nữa, hiện nay cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập, lao động trình độ cao trong khu vực Đông Nam Á được tự do đi lại và tìm việc làm, đây là cơ hội song cũng là thách thức rất lớn ảnh hưởng đến công tác XKLĐ của Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng do có sự cạnh tranh mạnh giữa lao động các nước trong khu vực ASEAN. Điều này, dự báo sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện chỉ tiêu XKLĐ của tỉnh ta trong năm 2016.

-PV: Vậy công tác XKLĐ ở tỉnh ta trong năm 2016 có gì mới so với những năm trước đây?

Ông Nguyễn Duy Nhân: Sở LĐ-TB&XH hiện chủ động chuyển hướng đưa lao động sang các thị trường khó nhưng có việc làm ổn định và thu nhập cao như Nhật Bản, Đài Loan. Việc các doanh nghiệp Nhật Bản và Đài Loan tăng số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội cho lao động của tỉnh. Số lượng lao động tham gia thị trường Nhật Bản và Đài Loan trong năm 2015 đã có sự tăng đột biến so với các năm trước.  Đồng thời với việc tìm kiếm thị trường mới, tỉnh ta sẽ tiếp tục duy trì thị trường Hàn Quốc (đối với lao động có nghề đánh bắt thủy sản), Malaysia, Trung Đông… theo hướng lựa chọn kỹ những doanh nghiệp có đơn hàng tốt để triển khai tuyển chọn lao động.

-PV: Để công tác XKLĐ của tỉnh đạt hiệu quả cần tập trung khắc phục những hạn chế gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Duy Nhân: Thời gian tới, tỉnh ta cần tập trung chuẩn bị tốt nguồn lao động bằng việc liên kết giữa các doanh nghiệp XKLĐ với các trường nghề để thực hiện tuyển chọn và đào tạo theo yêu cầu của đối tác nước ngoài; tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác XKLĐ trong các cấp ủy đảng và chính quyền, nhất là cấp cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn cho người dân, củng cố và sử dụng hiệu quả hơn đội ngũ cộng tác viên XKLĐ ở cấp xã; hỗ trợ tối đa về vốn vay và làm các thủ tục để người lao động có điều kiện tham gia đi XKLĐ.

Vẫn còn những tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XKLĐ vẫn còn một số tồn tại mà trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung khắc phục nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Đó là một số cấp ủy đảng, chính quyền thiếu quan tâm chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác XKLĐ tại địa phương; công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động chưa hiệu quả nên người dân còn thiếu thông tin về XKLĐ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tình hình biến động chính trị ở một số nước trên thế giới và một bộ phận người lao động đi làm việc ở nước ngoài do thiếu ý thức kỷ luật phải về nước trước thời hạn dẫn đến có nhiều thông tin sai lệch, làm cho người dân có tâm lý hoang mang, e ngại khi tham gia XKLĐ.

Một hạn chế nữa là trình độ ngoại ngữ, trình độ tay nghề của người lao động chưa cao đã làm mất đi cơ hội để làm việc ở các thị trường có việc làm ổn định và thu nhập cao.

 

Xuân Hiếu
(thực hiện)



 


.