(Báo Quảng Ngãi)- Việc khai thác gắn với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tài nguyên biển đang đặt ra những thách thức. Ông Ngô Văn Hưng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (KT&BVNLTS) tỉnh cho biết những kết quả và bất cập trong thực hiện những nhiệm vụ này trên địa bàn Quảng Ngãi.
-P.V: Đối với công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, Quảng Ngãi đã có những định hướng và kế hoạch như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Văn Hưng: Chi cục KT&BVNLTS là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020. Thời gian qua, Chi cục đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh với các nội dung: Phối hợp với Tổng cục Thủy sản thu thập số liệu nghề cá cơ bản để phục vụ điều tra nguồn lợi, trữ lượng một số nhóm đối tượng khai thác chủ yếu, có giá trị kinh tế, có sản lượng khai thác lớn ở vùng biển khơi tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt, sử dụng các ngư cụ cấm khai thác, khai thác không đúng vùng quy định hoặc khai thác các đối tượng cấm khai thác...
Đối với bảo tồn nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục đã tham mưu xây dựng Dự án thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn, hiện đang trình UBND tỉnh phê duyệt và đưa vào hoạt động đúng kế hoạch. Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản thả bổ sung vào một số thuỷ vực tự nhiên một số loài thuỷ sản nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thuỷ sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thuỷ sinh trong một số thuỷ vực...
-P.V: Trong công tác quản lý phương tiện hiện còn những bất cập gì, thưa ông?
Ông Ngô Văn Hưng: Hiện tại toàn tỉnh có 5.520 chiếc tàu cá với tổng công suất khoảng 1.130.000 CV. Hoạt động của lực lượng tàu cá này rất đa dạng như lưới kéo đôi, lưới kéo đơn, câu mực khơi, lặn, lưới rê, lưới vây... trên nhiều vùng biển của đất nước và ngư trường truyền thống là Hoàng Sa, Trường Sa.
Số tàu cá được cơ quan đăng kiểm Quảng Ngãi kiểm tra an toàn kỹ thuật khoảng 2.500 chiếc/năm. Số tàu hoạt động ở ngư trường ngoài tỉnh cơ quan đăng kiểm tỉnh bạn kiểm tra an toàn kỹ thuật khoảng 800 chiếc/năm. Trung bình mỗi năm Chi cục đăng ký mới từ 150 - 200 chiếc tàu cá. Hằng năm, Chi cục chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương lập kế hoạch và triển khai rà soát, đối chiếu, thống kê số lượng tàu cá thực tế của từng xã. Từ đó ra quyết định xoá tên những tàu hiện không còn tồn tại trong thực tế vì nhiều lý do. Vì vậy, số liệu tàu cá Chi cục quản lý sát với thực tế...
Theo tôi, bất cập trong quản lý tàu cá hiện nay là thông tin hai chiều giữa tàu cá đang hoạt động trên biển với cơ quan quản lý chưa có quy định rõ ràng. Ý thức của ngư dân còn hạn chế, nên dù hầu hết tàu đều có trang bị máy thông tin liên lạc nhưng khi có gió bão họ không mở máy thường xuyên, hoặc mở máy chỉ nghe chứ không trả lời, khiến các cơ quan chức năng khó nắm thông tin phục vụ công tác quản lý, đặc biệt là kịp thời chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Chiếc tàu cá công suất 765 CV của ngư dân Nguyễn Sáu (Phổ Thạnh, Đức Phổ) vay thêm 4,4 tỷ đồng từ Agribank theo Nghị định 67 để đầu tư đóng mới. |
Bên cạnh đó, các tàu cá chưa có sự phối hợp với nhau trong việc hỗ trợ quản lý thuyền viên; chưa có hợp đồng lao động giữa chủ tàu với thuyền viên. Trong thực tế vẫn còn một số tàu cá khai thác thủy sản bằng chất nổ, khai thác các loại thuỷ hải sản bị cấm... Gần đây lại thêm việc tàu thuyền của các nước lân cận tổ chức tuần tra xua đuổi, bắt giữ, làm thiệt hại lớn về kinh tế cho ngư dân Quảng Ngãi khi khai thác hải sản trên biển...
-P.V: Việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đang gặp một số vướng mắc, ông cho biết tiến độ thực hiện nghị định này và những khó khăn cần tháo gỡ?
Ông Ngô Văn Hưng: Qua 4 đợt, tổng số hồ sơ đăng ký tham gia đóng mới tàu theo Nghị định 67 được UBND tỉnh phê duyệt là 79 chiếc, nhưng đã xóa tên 25 hồ sơ do chủ tàu từ chối tham gia. Hiện nay, ngư dân đang triển khai đóng 35 tàu. Cụ thể là, số tàu được các chi nhánh ngân hàng thương mại ký hợp đồng tín dụng và thông báo đồng ý ký hợp đồng tín dụng là 18 tàu (8 tàu vỏ thép, 10 tàu vỏ gỗ). Hiện 6 tàu đã hoàn thành, 2 tàu đã hạ thủy và 10 tàu đang thi công. 15/18 tàu đã được giải ngân với số tiền gần 72,5 tỷ đồng/161 tỷ đồng cam kết cho vay. Số chủ tàu hiện đã nộp hồ sơ, các ngân hàng đang xem xét là 5 tàu vỏ thép. Số tàu đang làm thiết kế là 12 tàu.
Việc thực hiện Nghị định 67 đang gặp một số vướng mắc như các chủ tàu chưa thật sự chủ động trong việc hợp tác cùng các ngân hàng thương mại lập hồ sơ vay vốn. Ngoài ra, từ ngày 1.1.2015 thực hiện chính sách thuế mới, các ngân hàng không cho vay đối với các khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào trong tổng mức đầu tư đóng tàu. Khoản thuế này do chủ tàu chịu nên tỷ lệ cho vay không đảm bảo theo quy định... Cùng với các địa phương khác, Quảng Ngãi cũng đang chờ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/2015/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67. Hy vọng thời gian đến việc cho vay đóng mới tàu cá sẽ thuận lợi hơn.
-P.V: Để thực hiện tốt việc khai thác gắn với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Chi cục có những kiến nghị gì?
Ông Ngô Văn Hưng: Chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT có kế hoạch phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên các vùng nước để xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản, dự báo ngư trường, phục vụ công tác tái tạo nguồn lợi và quản lý; cần hướng dẫn vị trí “xa bờ” của tàu dịch vụ hậu cần để các tàu được hưởng hỗ trợ; cần có quy định rõ ràng, thống nhất về lộ trình phát triển tàu cá đến năm 2020, nhằm phát triển lực lượng khai thác cả nước một cách có kế hoạch, bền vững.
Trung ương sớm hướng dẫn triển khai Nghị định 89 để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong chính sách phát triển thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng xác định việc thực hiện Nghị định 67 là nhiệm vụ chính trị quan trọng; từ đó xem xét, điều chỉnh các điều kiện vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phối hợp với các địa phương trong thẩm tra hồ sơ đăng ký và tích cực hỗ trợ chủ tàu làm thủ tục vay vốn, cũng như điều chỉnh tiến độ giải ngân để đẩy nhanh tiến độ đóng tàu...
THANH TOÀN
(thực hiện)