(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có 4 huyện đồng bằng tiếp giáp với biển tiềm ẩn nguy cơ bị xâm thực gây nên tình trạng sạt lở, bồi lấp cửa sông; có 6 huyện miền núi hay xảy ra sạt lở và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở; có huyện đảo Lý Sơn là địa điểm nhạy cảm với thiên tai trên biển. Vì vậy, “công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mang tính thường trực đối với các địa phương, sở, ngành của tỉnh”, ông Phan Văn Ơn – Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết.
-P.V: Các loại hình thiên tai nào hay xảy ra trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông Phan Văn Ơn: Bão và áp thấp nhiệt đới; lũ, ngập lụt; sạt lở bờ sông, bờ biển; sạt lở núi; gió mùa Đông Bắc; giông, lốc, sét… là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn Quảng Ngãi.
Theo số liệu thống kê, trung bình hằng năm tỉnh Quảng Ngãi có 0,28 cơn bão đổ bộ trực tiếp. Nếu xét về mưa và cường độ gió từ cấp 6 trở lên có 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng trực tiếp. Nếu chỉ xét đơn thuần ảnh hưởng về mưa, thì trung bình hằng năm có 4 cơn bão hoặc ATNĐ ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Ngãi. Bão và ATNĐ thường xuất hiện trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 12. Trong khoảng 5 năm gần đây, ATNĐ xuất hiện cả trong tháng 1, tháng 2; bão cũng xuất hiện sớm hơn (trong tháng 4).
Ở Quảng Ngãi, thông thường khi có ảnh hưởng kết hợp của bão, ATNĐ, hay dãy hội tụ nhiệt đới với gió mùa Đông Bắc, thường có mưa lớn kéo dài gây ra lũ, lụt. Trung bình mỗi năm, trên các sông lớn thuộc tỉnh có 5 - 7 đợt lũ lớn trên báo động cấp II. Có những cơn lũ vượt báo động cấp III từ 1m đến 2,6m. Những trận lũ kép kéo dài nhiều ngày gây ngập lụt nghiêm trọng cho vùng thấp trũng ở đồng bằng và ven biển. Lũ, lụt là loại hình thiên tai nguy hiểm nhất, có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn nhất về dân sinh, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các huyện miền núi là những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét cao. Lũ quét thường phát sinh bất ngờ, xảy ra trong phạm vi hẹp, nhưng rất khốc liệt và gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Lũ quét là loại hình thiên tai hiện nay chưa dự báo được, công tác phòng tránh là hết sức khó khăn.
Ngoài ra, trung bình hằng năm có 14 đến 15 đợt gió mùa Đông Bắc gây ảnh hưởng đến địa bàn tỉnh và 85 - 110 ngày có giông. Ở vùng núi là nơi xảy ra giông nhiều nhất. Ngoài ra, còn có một số loại hình thiên tai khác xuất hiện trên địa bàn tỉnh như hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, mưa đá, sương mù, sương muối, gió Tây Nam, rét đậm, rét hại... và tiềm ẩn nguy cơ sóng thần.
-P.V: Ông có thể cho biết những nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai?
Ông Phan Văn Ơn: Có một số nguyên tắc cơ bản trong công tác PCTT là: Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và hiệu quả. Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức, cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau. Phòng chống thiên tai được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ. Kinh nghiệm trong những năm vừa qua cho thấy những địa phương chủ động chuẩn bị cho công tác 4 tại chỗ càng tốt thì càng giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
-P.V: Ông có thể cho biết đôi nét về nhiệm vụ của đơn vị khi tình huống có bão đổ bộ vào Quảng Ngãi và lũ ở cấp độ 2 trở lên?
Ông Phan Văn Ơn: Nếu bão, ATNĐ trên Biển Đông có nguy cơ đổ bộ hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh thì Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ huy tiền phương tại địa bàn có nguy cơ bão đổ bộ; tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống bão, ATNĐ; tham mưu BCH PCTT&TKCN tỉnh chỉ đạo chủ các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện triển khai phương án PCTT, đảm bảo an toàn đập và an toàn cho nhân dân vùng hạ du công trình; chú trọng đến các hồ chứa, công trình đê điều xung yếu.
Ngoài ra, Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khí tượng thủy văn, thông tấn, báo chí thường xuyên cung cấp thông tin về diễn biến bão, ATNĐ đến các địa phương và nhân dân để chủ động phòng tránh; phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê số lượng người cần di dời, sơ tán, báo cáo Trung ương, tỉnh để chỉ đạo; phối hợp cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ chính quyền các địa phương và nhân dân tổ chức phòng, tránh bão, ATNĐ.
Khi có bão mạnh, siêu bão, Văn phòng Thường trực BCH PCTT&TKCN tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Đài KTTV tỉnh theo dõi diễn biến bão; xác định khu vực nguy cơ bão đổ bộ, mực nước dâng do bão… làm cơ sở trong việc di dời, sơ tán dân; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại địa phương có nguy cơ bão đổ bộ để điều hành trực tiếp công tác phòng, chống bão; tham mưu cho UBND tỉnh huy động tối đa nguồn lực hiện có hoặc đề xuất Trung ương hỗ trợ tỉnh để thực hiện công tác phòng, chống bão mạnh, siêu bão...
Còn trường hợp lũ, ngập lụt xảy ra ở cấp độ 2, 3, 4, thì từ cấp độ 2, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ lưu ý mức ngập lụt tại các xã, phường, thị trấn vào trận lũ lịch sử tháng 11.2013 trên sông Vệ, Trà Khúc, Trà Câu, đối với các huyện Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, Ba Tơ, Minh Long, Nghĩa Hành, TP.Quảng Ngãi, Sơn Hà và trận lũ lịch sử tháng 9.2009 trên sông Trà Bồng, đối với các huyện Bình Sơn, Trà Bồng để làm căn cứ sơ tán dân và có biện pháp cứu nạn cứu hộ, ứng phó phù hợp…
THANH TOÀN (thực hiện)