Phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch: Cần phải có sự đầu tư đồng bộ

09:08, 01/08/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được sự quan tâm của Bộ VHTT&DL cũng như của tỉnh, Sở VHTT&DL đã và đang triển khai thực hiện Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh tại xã phổ Thạnh (Đức Phổ), trong đó có Nhà trưng bày bổ sung di tích văn hóa Sa Huỳnh nhằm góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị vốn có của nền văn hóa Sa Huỳnh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VHTT&DL, để phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này gắn với phát triển du lịch đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ.

-PV: Xin ông cho biết những giá trị đặc sắc của văn hóa Sa Huỳnh ở tỉnh ta hiện nay?

Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG VŨ: Văn hóa Sa Huỳnh là một trong ba nền văn hóa lớn của cả nước. Quảng Ngãi vinh dự khi có địa điểm gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh. Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn nhiều địa điểm gắn liền với văn hóa Sa Huỳnh như di tích Gò Ma Vương (Long Thạnh- Phổ Thạnh- Đức Phổ), di tích Bình Châu (Bình Sơn), di chỉ Suối Chình (An Hải- Lý Sơn)… Nhiều di chỉ văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy sớm tại Quảng Ngãi và phần lớn tập trung dọc ven biển và hải đảo.

Đến năm 2009, trong chương trình dự án thăm dò khai quật khảo cổ học khu vực mặt bằng xây dựng công trình Hồ chứa nước Nước Trong (Tây Trà), do Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi chủ trì thăm dò và khai quật, đã phát hiện văn hóa Sa Huỳnh ở vùng thung lũng sông Tang, thuộc 2 xã Trà Xinh, Trà Thọ (Tây Trà). Đây là lần đầu tiên trong nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh đã ghi nhận không gian văn hóa Sa Huỳnh mở rộng đến vùng thung lũng núi liền cạnh rìa Tây Nguyên, đóng vai trò là cầu nối văn hóa giữa Tây Nguyên và đồng bằng trong thời đại kim khí.

-PV: Hiện nay ngành văn hóa đang tiến hành xây dựng Nhà trưng bày bổ sung di tích văn hóa Sa Huỳnh. Vậy khi Nhà trưng bày hoàn thành thì nội dung trưng bày sẽ như thế nào để thu hút du khách, thưa ông?

Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG VŨ: Được sự quan tâm của Bộ VHTT&DL đầu tư chương trình mục tiêu văn hóa cùng với vốn đối ứng của tỉnh đã đầu tư Dự án Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh, trong đó có Nhà trưng bày bổ sung di tích văn hóa Sa Huỳnh. Nhà trưng bày bổ sung di tích văn hóa Sa Huỳnh có tổng diện tích xây dựng là 820m2, gồm 4 phòng làm việc, 1 phòng kho bảo quản tài liệu, hiện vật, 1 phòng thuyết trình, 1 phòng hội thảo, chiếu phim và phòng dành cho không gian trưng bày…

Khi Nhà trưng bày hoàn thành thì nội dung trưng bày chủ yếu dựa trên cơ sở tài liệu, hiện vật gốc có giá trị văn hóa- lịch sử tiêu biểu. Các tài liệu, sưu tập hiện vật được nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng, có tính thuyết phục cao, đảm bảo nội dung khoa học. Bố cục nội dung trưng bày gồm 3 phần: Lịch sử phát hiện, nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh; văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi và miền Trung Việt Nam; Mối quan hệ Văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa khác trong khu vực. Hình thức trình bày được dựa trên tham khảo, học tập các bảo tàng trong nước, phù hợp với đặc trưng văn hóa- lịch sử, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế- xã hội của địa phương; nội dung và hình thức trưng bày phải mang đậm tính chất của loại hình bảo tàng chuyên đề về văn hóa khảo cổ học. Vì vậy, hình thức trưng bày phải cổ kính, trang trọng, thể hiện được những giá trị vật chất, tinh thần của một thời đại trong lịch sử tồn tại và phát triển của nhân loại. Bằng phương tiện kỹ thuật tổng hợp, hiện đại và thủ pháp nghệ thuật tạo nên điểm nhấn xúc cảm nhằm đáp ứng tối ưu nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học của công chúng.

-PV: Vậy hướng phát huy những giá trị văn hóa Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch như thế nào nhằm đem lại hiệu quả cao, thưa ông?

Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG VŨ:  Văn hóa Sa Huỳnh nằm trên chuỗi du lịch di sản biển đảo nên có lợi thế để phát triển du lịch. Đây là một trong những điểm nhấn về du lịch Quảng Ngãi. Hơn nữa, Trường Lũy cũng có một đoạn đi qua khu bảo tồn cùng với các di tích lịch sử khác nằm dọc tuyến đường Sa Huỳnh- Quảng Ngãi- Lý Sơn thuận lợi cho việc khai thác tuyến du lịch.

Tuy nhiên, để phát huy văn hóa Sa Huỳnh gắn với việc phát triển du lịch đòi hỏi phải có sự đầu tư, phát triển đồng bộ. Tỉnh cần có sự đầu tư để xử lý hiện vật, đặc biệt là các hiện vật được khai quật từ Hồ chứa nước Nước Trong. Bởi theo kết quả ban đầu, những hiện vật ở Hồ chứa nước Nước Trong có niên đại sớm hơn so với văn hóa Sa Huỳnh ven biển và hải đảo. Đây là điểm đặc trưng nhất của văn hóa Sa Huỳnh.

Bên cạnh đó, hiện nay không có đường đi vào khu bảo tồn mà phải đi theo con đường dân sinh bằng đất gây khó khăn trong việc đi lại, nhất là chưa phù hợp để phát triển du lịch. Bộ VHTT&DL cũng đã có ý kiến với tỉnh về việc đầu tư tuyến đường đi xuống khu bảo tồn khoảng 2km. Vì thế, tỉnh cần ưu tiên bố trí nguồn vốn sớm để xây dựng con đường vào khu bảo tồn để phát huy giá trị văn hóa Sa Huỳnh, gắn với phát triển du lịch. Không những thế, không chỉ là đầu tư cho Nhà trưng bày bổ sung, khu bảo tồn Văn hóa Sa Huỳnh ngoài trời, mà nên đầu tư đồng bộ cho cơ sở hạ tầng khu du lịch Sa Huỳnh ở phía trong, đầu tư cho khu du lịch Đặng Thùy Trâm ở bên ngoài, đầu tư tôn tạo đoạn di tích Trường Lũy phía Phổ Châu… Có như thế thì tuyến du lịch mới thực sự được thu hút khách du  lịch, khu bảo tồn văn hóa Sa Huỳnh mới phát huy giá trị tích cực.

-PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

                       TRỊNH PHƯƠNG
(thực hiện)
 

.