(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 28.7, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Nghĩa Hành lần thứ XXI, nhiệm kỳ
2015-2020 sẽ khai mạc. Đại hội sẽ tập trung đánh giá kết quả qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX; đồng thời thảo luận, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới. Nhân dịp này, PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Bình - Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành về vấn đề này.
-PV: Thưa đồng chí, trong 5 năm qua, Nghĩa Hành đạt được những thành tựu nổi bật nào?
Đồng chí Phan Bình: Nhiệm kỳ qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của các Bộ, ngành Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh; đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nên đã cơ bản hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 13,69% (trong đó: Nông, lâm, thủy sản tăng 5,21%, công nghiệp, xây dựng tăng 7,57%; thương mại, dịch vụ tăng 22,16%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông, lâm, thủy sản từ 34,08% giảm còn 22,8%; công nghiệp, xây dựng chiếm 34,38%; thương mại, dịch vụ từ 29,36% lên 42,82%. Đặc biệt, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều vượt dự toán tỉnh giao, bình quân hằng năm đạt 36,7 tỷ đồng (đạt 193,15% nghị quyết đề ra).
Tuy có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế nhưng nông nghiệp vẫn là nền tảng của nền kinh tế huyện. Do đó, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, xác định quy hoạch vùng sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng. Đến nay, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, có quy mô, có giá trị kinh tế cao, như trồng keo lai ở các xã miền núi, cây bắp, đậu phụng, mì, đậu, mía... Bên cạnh đó, kinh tế trang trại có xu thế phát triển mạnh, với 4 trang trại quy mô lớn, 50 trang trại quy mô nhỏ, 53 mô hình sản xuất theo hướng trang trại, góp phần làm thay đổi tích cực nền kinh tế nông nghiệp của huyện, tạo việc làm cho người dân. Đây cũng là hướng phát triển chính của huyện trong những năm đến.
Riêng các Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về xây dựng và phát triển Trung tâm huyện lỵ và xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những kết quả nhất định. Với hơn 190 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong 5 năm qua, thị trấn Chợ Chùa đã đạt 75,9/100 điểm. Huyện đang đề nghị tỉnh công nhận đạt đô thị loại V vào cuối năm 2015 và công nhận 3 xã đạt Nông thôn mới là Hành Minh, Hành Thịnh, Hành Thuận.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng có bước chuyển biến đáng kể. Mạng lưới y tế được củng cố từ huyện đến thôn, đủ nguồn nhân lực để thực hiện công tác phòng bệnh, khám chữa bệnh. Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội cũng được quan tâm đúng mức. Trong 5 năm qua, đã huy động trên 9,5 tỷ đồng để xây dựng mới và sửa chữa 287 nhà ở cho đối tượng chính sách và vận động trên 14,5 tỷ đồng xây dựng mới 558 nhà ở cho đối tượng người nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5%. Kết quả đó đã tạo sự ổn định và là nền tảng để phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
-PV: Đồng chí có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo?
Đồng chí Phan Bình: Theo tôi, có 5 bài học kinh nghiệm được đúc kết trong nhiệm kỳ qua là.
Một là, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình trong BCH Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy, coi đó là hạt nhân của sự đoàn kết, thống nhất, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Hai là, việc xây dựng Nghị quyết, đề ra chủ trương phải căn cứ vào tiềm năng, nguồn lực và điều kiện thực tiễn của địa phương, từ đó xác định các giải pháp hữu hiệu để tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Quá trình thực hiện có sự đôn đốc kiểm tra, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm; kịp thời biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, uốn nắn những yếu kém, tồn tại.
Ba là, trong xây dựng, phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là thực hiện an sinh xã hội, kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc xã hội, bảo đảm QPAN, TTATXH.
Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức gắn với vai trò, trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở, đề cao tính năng động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, cũng như tổ chức thực hiện, coi đây là sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ.
Một góc trung tâm huyện lỵ Nghĩa Hành. |
Năm là, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tương xứng với nhiệm vụ, coi đó là khâu đột phá, quyết định việc tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Đảng bộ và chính quyền. Đảm bảo nguyên tắc trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bố trí, luân chuyển cán bộ, đảm bảo khách quan, công tâm.
-PV: Vậy mục tiêu của huyện Nghĩa Hành trong nhiệm kỳ 2015-2020 là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Phan Bình: Với phương châm “Lấy sản xuất làm gốc, lợi ích nhân dân làm động lực” trên quan điểm lấy nông nghiệp làm nền tảng vững chắc để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, huyện xác định 2 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ tới là: “Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh”. Đồng thời, đề ra 6 giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất; sắp xếp, thành lập mới các HTX, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gắn với phát triển nông, lâm nghiệp.
Phát triển CN, TTCN, TM-DV,…để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tăng nguồn thu ngân sách; tổ chức xúc tiến và kêu gọi thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài huyện để đầu tư phát triển. Đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, dự án thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường công tác QPAN, giữ vững ổn định chính trị; công tác tiếp dân, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để tồn đọng kéo dài, gắn với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện đồng bộ công tác CCHC, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Tăng cường, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; coi trọng đúng mức công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ chủ chốt; cán bộ lãnh đạo ở các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn sau đại hội đảng bộ các cấp.
-PV: Xin cảm ơn đồng chí!
THANH THUẬN
(thực hiện)