Ông Phạm Thành Công. |
(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, Khu chứng tích Sơn Mỹ trở nên quá tải trước số lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Vì thế, việc nâng cấp, mở rộng, từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động của khu chứng tích là một nhu cầu cấp thiết. Đó cũng là nội dung trao đổi giữa PV.Báo Quảng Ngãi với ông Phạm Thành Công- Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ.
- Xin ông cho biết tình hình hoạt động của Khu chứng tích Sơn Mỹ thời gian qua?
Ông PHẠM THÀNH CÔNG: Khu chứng tích Sơn Mỹ- nơi khắc ghi tội ác của lính Mỹ đối với 504 thường dân vô tội (chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em) bị chúng sát hại vào sáng ngày 16.3.1968, được thành lập cuối năm 1975 và đưa vào hoạt động đầu năm 1976 để phục vụ khách thăm viếng. Đến năm 2003, Khu chứng tích được quy hoạch, xây dựng lại, chuyển hạng mục xây dựng kiên cố ra khỏi nền di tích gốc; xây dựng lại tượng đài, nhà trưng bày, nơi tiếp đón khách, chiếu phim, bãi đỗ xe, khu làm việc... với quy mô từ 2,4ha lên 3,4ha. Đến năm 2006, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Từ đó đến nay, nơi đây trở thành địa chỉ thu hút ngày càng nhiều tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Lượng khách mỗi năm tăng lên theo cấp số nhân. Riêng năm 2014, lượng khách đến Khu chứng tích là 250 ngàn lượt người, trong đó khách nước ngoài là 60 ngàn lượt người, đến từ 73 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chúng tôi rất phấn khởi trước lượng khách đến với khu chứng tích ngày càng nhiều, nhất là du khách nước ngoài; học sinh, sinh viên… nhưng đồng thời cũng rất lo lắng. Bởi lẽ, với một lượng khách như trong năm 2014 thì khu chứng tích trở nên quá tải, nhất là bãi đỗ xe; chưa có phòng đón tiếp khách, chiếu phim riêng nên có những ảnh hưởng nhất định đến việc phục vụ khách. Cùng với đó là, hiện vật sưu tầm, phục dựng cảnh sinh hoạt của người dân còn đơn điệu, chưa hấp dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu; các bộ phim liên quan đến vụ thảm sát Sơn Mỹ chiếu phục vụ du khách còn ít.
- Vậy làm gì để giải bài toán quá tải này thưa ông?
Ông PHẠM THÀNH CÔNG: Theo tôi, yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đầu tư mở rộng khuôn viên khu chứng tích lên từ 5.000m2 hoặc 10.000m2; tái hiện lại toàn bộ cảnh sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng trước khi bị thảm sát; đồng thời nghiên cứu kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa… Thời gian qua, khu chứng tích cũng đã nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, thành phố (trước đây là huyện Sơn Tịnh) và xã Tịnh Khê. Đặc biệt là, mới đây, UBND tỉnh đã cho chủ trương lập dự án nâng cấp giai đoạn 2 Khu chứng tích Sơn Mỹ về phía đông. Riêng trong năm 2015, tỉnh ghi vốn cho dự án này khoảng 960 triệu đồng để cải tạo lại sân vườn, bãi đậu xe, vì hiện tại bãi đậu xe cũ không đáp ứng hết lượng khách đến tham quan, đặc biệt là các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần. UBND TP.Quảng Ngãi cũng có kế hoạch đầu tư làm hành lang vỉa hè phía trước khu chứng tích.
Khu chứng tích Sơn Mỹ cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ảnh: PV |
Trong dịp lễ tưởng niệm năm nay (16.3.2015), Ban quản lý sẽ phối hợp với các bên liên quan để tọa đàm về việc nâng cấp Khu chứng tích Sơn Mỹ sao cho có hiệu quả.
- Đó là vấn đề cơ sở hạ tầng, còn cơ chế quản lý, công tác quảng bá, liên kết các tour du lịch thì thế nào thưa ông?
Ông PHẠM THÀNH CÔNG: Thực tế hiện nay, cơ chế quản lý hoạt động của Khu chứng tích Sơn Mỹ đang tồn tại một vài bất cập, nếu không kịp thời tháo gỡ thì khó có thể phát huy được hiệu quả. Đó là, hằng năm, ngân sách tỉnh cấp đủ kinh phí để hoạt động; còn tiền bán vé thu được (năm 2014 khoảng 400 triệu đồng, trong khi chi phí duy trì hoạt động ở đây khoảng 2 tỷ đồng - PV) nộp lại cho Kho bạc, nên không khuyến khích được sự năng động, sáng tạo trong phục vụ du khách của cán bộ, nhân viên khu chứng tích.
Theo tôi, nên chăng, khi mở rộng khu chứng tích, chúng ta có thể hình thành 2 khu riêng biệt, bao gồm: Khu phục vụ (khách vào miễn phí) và khu dịch vụ (khách phải bỏ tiền mua vé). Vì thực tế, việc đầu tư nâng cấp khu chứng tích nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách thì khó có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện và đáp ứng nhu cầu của du khách.
Tại khu dịch vụ này, ta có thể đầu tư chiều sâu, tái hiện lại toàn bộ cảnh làng quê Sơn Mỹ trước khi bị thảm sát; hình thành khu bán sản vật tiêu biểu của làng quê Sơn Mỹ ngày trước cũng như hiện tại, bán đồ lưu niệm; phối hợp và tổ chức cho người dân xung quanh khu chứng tích để cùng làm du lịch cộng đồng; xúc tiến quảng bá khu chứng tích này ra nước ngoài. Xây dựng một khu hình ảnh Quảng Ngãi thu nhỏ ngay trong khuôn viên khu chứng tích, để du khách hiểu hơn về vùng đất và con người Quảng Ngãi. Nguồn vốn đầu tư cho khu này bằng cách kêu gọi xã hội hóa là hết sức cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Phú Đức (thực hiện)