Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn

01:11, 26/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ là con đường để đưa khoa học công nghệ về nông thôn, góp phần tạo bước đột phá về đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn. Ở tỉnh ta sau 5 năm thực hiện đề án đã đạt được những kết quả nhất định. PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với bà Cù Thị Thanh Mai- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH xoay quanh hiệu quả của đề án.

-PV: Kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh ta  như thế nào, thưa bà?

Trong 5 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đạt nhiều kết quả đáng mừng. Tỉnh ta đã huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề với tổng kinh phí 125,7 tỷ đồng. Đã có 31.712 LĐNT được đào tạo nghề. Trong đó có 27.976 người có việc làm (đạt 88%); có 878 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; 1.027 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá. Hiệu quả của đề án đã góp phần tăng cơ cấu lao động trong nhóm ngành công nghiệp-xây dựng của tỉnh, cụ thể là năm 2011 đạt 22%, đến năm 2014 tăng lên 28%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng khá nhanh, năm 2010 là 28%, đến năm 2014 ước đạt 41%. Qua học nghề đã giúp nông dân lao động sản xuất theo hướng hiện đại, tiếp cận ngành nghề mới, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.  

Có nhiều mô hình dạy nghề đạt hiệu quả. Điển hình như đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên tàu cá. Từ lớp đào tạo ban đầu ở xã Bình Châu (Bình Sơn) với 35 học viên, đến nay đã nhân rộng ra 100 lớp với 3.151 ngư dân của 28 xã ven biển được học nghề.  Qua học nghề, ngư dân đã được trang bị kiến thức về pháp luật khi hành nghề, công tác quản lý, kỹ thuật, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, giúp ngư dân vươn khơi bám biển một cách chủ động, vừa làm kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.      

Mô hình dạy nghề may công nghiệp cũng khá thành công. Đến nay đã tổ chức 110 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 3.902 học viên. 100% LĐNT học nghề may công nghiệp đã có việc làm. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình dạy nghề đạt hiệu quả cao, giúp LĐNT ổn định cuộc sống như: Chăn nuôi gia súc gia cầm; xây dựng; chế biến món ăn; tạo dáng và chăm sóc hoa, cây cảnh; trồng lúa năng suất cao; trồng rau an toàn...

-PV: Những khó khăn gặp phải trong triển khai thực hiện đề án là gì?

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về vị trí chiến lược của việc phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, về vai trò của công tác dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực LĐNT.  Ban chỉ đạo thực hiện đề án của một số địa phương vẫn chưa thật sự chủ động, tích cực trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT. Ở vùng sâu, vùng xa, công tác tuyên truyền, tư vấn cho LĐNT tham gia học nghề chưa thực hiện tốt nên khó huy động được LĐNT tham gia học nghề. Nhận thức của một số cán bộ cơ sở về đào tạo nghề cho LĐNT còn hạn chế. Một số sở, ngành chưa thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại Quyết định 1662/QĐ-UBND nên chưa tạo điều kiện giúp người dân sau học nghề có điều kiện phát triển kinh tế gia đình bằng kiến thức nghề đã học, cụ thể như hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Đề án xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương vẫn chưa gắn chỉ tiêu dạy nghề cho LĐNT. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong tổ chức thực hiện đề án có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ.

-PV: Mục tiêu và giải pháp để triển khai có hiệu quả chính sách dạy nghề cho LĐNT trong giai đoạn tiếp theo?

Mục tiêu của tỉnh ta trong giai đoạn 2016 – 2020 là sẽ đào tạo nghề cho 32.500 người, riêng năm 2015 là 6.500 người. Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về Đề án 1956; đẩy mạnh việc thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề và chủ trương xã hội hóa dạy nghề; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho dạy nghề. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho LĐNT. Huy động các nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở SXKD, kỹ sư các trung tâm khuyến nông, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho LĐNT. Phát triển chương trình, giáo trình và đầu tư thiết bị dạy nghề. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, sơ kết, đánh giá việc thực hiện đề án theo định kỳ; kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tham gia thực hiện đề án.  

Xuân Hiếu
(thực hiện)
 

.