Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả: Nhiệm vụ trọng tâm trong tái cơ cấu ngành trồng trọt

01:11, 21/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là ý kiến của ông Đào Minh Hường – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khi nói về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và những định hướng trong chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2014– 2015 sắp đến.

-P.V: Năm 2014 ngành nông nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng sản xuất lương thực vẫn vượt kế hoạch đề ra, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến thành quả đó?

Ông ĐÀO MINH HƯỜNG:  Năm 2014, tuy diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh giảm, nhưng năng suất, sản lượng đều tăng. Cụ thể là, về sản xuất lương thực cả tỉnh ước đạt 479 nghìn tấn, đạt trên 101% kế hoạch và tăng 2,3% so với năm 2013. Có thể nói, năm 2014 là năm thắng lợi trong sản xuất lương thực và là năm được mùa nhất từ trước đến nay ở Quảng Ngãi.

Có được kết quả trên, theo tôi do các nguyên nhân sau: Công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tiếp tục có nhiều tiến bộ, nhất là khâu khảo nghiệm, chọn lọc, sử dụng giống cây trồng mới. Dự án giống lúa mới thuần chất lượng, Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, mô hình cánh đồng lớn... được triển khai thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân về sử dụng giống tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và trình độ đầu tư, thâm canh ngày càng nâng cao; công tác dự tính, dự báo sâu bệnh được duy trì, thường xuyên thông báo đến nông dân để chủ động phòng trừ... là những yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng. Ngoài ra, mưa lũ lớn vào trung tuần tháng 11.2013 đã tạo điều kiện cho các hồ đập trong tỉnh tích  nước đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng suốt vụ.

-P.V: Ông có thể cho biết về kết quả chuyển đổi cây trồng trong năm qua và định hướng cho những năm đến?

Ông ĐÀO MINH HƯỜNG: Trong năm 2014, toàn tỉnh thực hiện chuyển đổi được 650ha là diện tích sản xuất lúa không chủ động nước, kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn khác như bắp, mè, rau đậu các loại. Nhìn chung, sự chuyển đổi này còn chậm, chưa đạt so với yêu cầu đề ra.

Chúng tôi xác định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả và một số loại đất khác là nhiệm vụ trọng tâm của việc thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi.

Thực tế, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, chúng ta có 38 nghìn ha đất lúa, nhưng thực chất có gần 34 nghìn ha sản xuất hiệu quả. Còn lại 4 nghìn ha, trong đó có vùng trũng, vùng khô hạn, vùng chân cao, ruộng bậc thang... sản xuất bấp bênh, kém hiệu quả cần phải tính toán để chuyển đổi mô hình sản xuất, tùy theo đặc điểm của mỗi vùng miền.

Khó khăn hiện nay là từ Trung ương đến tỉnh chưa có cơ chế thống nhất về hỗ trợ để nông dân chuyển đổi. Ví dụ, vùng đất bằng dưới 10 độ ven sông, ven các cánh đồng, gần nguồn nước nhưng người dân lại trồng keo chứ không trồng lúa. Số diện tích này có thể chuyển sang trồng cỏ, phát triển chăn nuôi; hoặc vùng đất trồng lúa hay gặp hạn trong vụ hè thu có thể chuyển sang cây trồng khác... thì hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích sẽ tăng lên rất nhiều lần. Thế nhưng, vì chưa có cơ chế hỗ trợ nên chưa chuyển đổi được. Những năm qua, để hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp chỉ thông qua kênh khuyến nông của tỉnh và huyện để thực hiện. Với sự hỗ trợ này nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi và xây dựng được một số mô hình sản xuất rất hiệu quả. Tuy nhiên, sức lan tỏa của các mô hình này chưa sâu rộng. Năm 2015 chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, tạo bước đi căn cơ hơn cho công tác này.

-P.V: Chuẩn bị bước vào vụ đông xuân, ông cho biết định hướng chỉ đạo và những khuyến cáo về vụ sản xuất này?

Ông ĐÀO MINH HƯỜNG:  Khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp những năm gần đây là khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường. Năm nay được dự báo là lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm nên khả năng thiếu nước phục vụ sản xuất, nhất là ở cuối vụ. Do vậy, các đơn vị, địa phương phải chủ động giữ nước, tiết kiệm nước tưới ngay từ đầu vụ.
 
Mặt khác, vụ đông xuân thường gặp các đợt không khí lạnh, nhiệt độ xuống thấp ở thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông, ảnh hưởng đến năng suất. Nông dân cũng cần chú ý, dự lường tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, giá cả vật tư như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... có xu hướng tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư, thâm canh.     
 

THANH TOÀN (thực hiện)

Một số giải pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa vụ đông xuân

Bố trí lịch thời vụ xuống giống đại trà tập trung từ ngày 25.12.2014 đến 10.1.2015. Trường hợp đặc biệt, ở chân ruộng trũng chưa rút nước kịp thì gieo mạ để cấy và phải chấm dứt cấy trước 15.1.2015.

Về cơ cấu giống lúa, giống chủ lực, lúa thuần của vụ đông xuân là ĐV108, KD đột biến, Hoa ưu 109, ĐH99-81, ĐH815-6, VTNA2, Nàng Hoa 9, OM6976, OM4568, HT1, PC6...; lúa lai gồm Nhị ưu 838, BTE-1, Syn 6, TH3-3. Giống bổ sung, là lúa thuần AS.996, Q.Nam1, KD 28, VN121, , XT28...; lúa lai là PAC 807. Giống có triển vọng sản xuất thử gồm DT45, Hoa khôi 4, OM8017, Thiên ưu 8, Hương Xuân, lúa nếp ĐT 52; lúa lai Xuyên Hương 178...

Khi sử dụng giống lúa thuần cấp nguyên chủng hoặc giống cấp xác nhận, lượng giống gieo sạ khoảng 80 – 90kg/ha. Đối với lúa lai, lượng giống gieo sạ 40 – 45kg/ha. Trong số các khuyến cáo, tùy theo điều kiện mỗi vùng, mỗi địa phương nên chọn từ từ hai đến ba giống chủ lực và hai đến ba giống bổ sung để gieo sạ là phù hợp.

 


 


.