Nâng cao chất lượng giáo dục các trường vùng ven thành phố

09:08, 05/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, giáo dục TP.Quảng Ngãi luôn nằm trong nhóm dẫn đầu của tỉnh về chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, việc sáp nhập 13 xã, phường của huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa vào thành phố nên trong những năm học đến ngành giáo dục thành phố chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn nếu như không được quan tâm đầu tư đồng bộ. Để hiểu hơn về vấn đề này, PV.Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh- Trưởng Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi.

 -PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt và chưa đạt của ngành giáo dục thành phố trong năm học 2013-2014?


TS.NGUYỄN VĂN ANH: Sự nghiệp giáo dục thành phố tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền thành phố. Môi trường sư phạm tại các cơ sở giáo dục được cải thiện tích cực; về cơ sở vật chất trường lớp học của các trường từng bước được tăng cường theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Triển khai tốt các đề án về phát triển giáo dục, về điều chuyển cán bộ quản lý, điều chuyển giáo viên và thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành.

Đặc biệt, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; kỷ luật, kỷ cương, nề nếp trong các trường học ngày càng được tăng cường. Kết quả giáo dục, các kỳ thi của giáo viên, học sinh và các hoạt động giáo dục khác đều đạt thành tích tốt, là đơn vị dẫn đầu tỉnh trong tất cả các hội thi. Năm học 2013-2014, ngành có thêm nhiều giáo viên dạy giỏi, nhiều học sinh giỏi đạt giải cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp toàn quốc. Tỷ lệ học sinh lên lớp, hoàn thành chương trình tiểu học và tốt nghiệp THCS được giữ vững. Số học sinh học lực yếu, kém, bỏ học, bị kỷ luật giảm. Có 34 học sinh đạt huy chương, chứng nhận học sinh giỏi cấp quốc gia trong các hội thi.

Bên cạnh đó, ngành cũng còn những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục trong những năm học đến, đó là cơ sở vật chất của giáo dục mầm non 5 tuổi còn bất cập; việc giảm tải ở các trường trung tâm kết quả chưa cao.

-PV: Ông đánh giá thế nào về hoạt động giáo dục của thành phố sau khi thực hiện Nghị quyết số 123/CP của Chính phủ?

TS.NGUYỄN VĂN ANH: Sau khi thực hiện NQ 123/CP, ngành giáo dục thành phố tiếp nhận thêm 46 trường. Như vậy, ngành giáo dục thành phố hiện có 85 trường, bao gồm: Bậc mầm non có 32 trường (8 trường tư thục, 24 trường công lập), tiểu học 30 trường và THCS 23 trường với tổng số  42.904 học sinh (MN 8.981 học sinh, TH 20.148 học sinh và THCS 13.775 học sinh). Theo đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhân viên của ngành có gần 2.900 người, trong đó biên chế là 2.450 người.

Sau khi sáp nhập, giáo dục thành phố có một số bất cập. Đó là, cơ sở vật chất trường lớp tại một số xã, phường còn tạm bợ, nhất là bậc mầm non; nhiều trường học còn thiếu trang thiết bị đồ dùng dạy học. Mức độ và sự quan tâm của các bậc phụ huynh đối với việc học hành của học sinh, con em tại các địa phương cũng khác nhau; chất lượng giáo dục tại các xã, phường có sự chênh lệch lớn. Đội ngũ giáo viên thiếu rất nhiều ở các trường tại các xã ven biển và ngược lại thừa ở các trường trung tâm (mới sáp nhập); việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm so với tiến độ.

PV: Trước thực trạng đó, ngành có giải pháp gì để tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương vừa sáp nhập vào thành phố?

TS.NGUYỄN VĂN ANH:  Ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các Đề án của ngành giáo dục thành phố giai đoạn 2010-2020 về phát triển giáo dục, về mạng lưới trường lớp, về điều chuyển cán bộ quản lý và giáo viên của các bậc học. Đẩy nhanh việc xây dựng các phòng học mầm non 5 tuổi, nâng cao chất lượng nuôi dạy cháu. Hoàn thành việc công nhận phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015. Đổi mới công tác quản lý, công tác chỉ đạo chuyên môn; công tác thanh, kiểm tra; công tác thi đua - khen thưởng.

Chỉ đạo các trường thực hiện ba công khai theo Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT; kiểm tra, chấn chỉnh việc lạm thu đối với học sinh đầu cấp và việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định theo Thông tư 17. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp nhằm giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp tại các trường lớn, trường ở trung tâm thành phố. Cụ thể là, tăng cường cơ sở vật chất, xây nhà ăn bán trú, điều chuyển hài hòa chất lượng giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục của các trường vùng ven. Lồng ghép và tăng cường giáo dục pháp luật, kỹ năng sống, giáo dục truyền thống và chủ quyền biển, đảo cho học sinh. Đẩy nhanh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tại các xã mới sáp nhập vào thành phố theo NQ 123/CP.


PV: Xin cảm ơn ông

    P.V (thực hiện)
 


.