(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nội dung trao đổi của Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đăng Phước- Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Phạm Văn Đồng với PV. báo Quảng Ngãi về công tác tuyển sinh năm 2014.
*PV: Năm 2014, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ có gì thay đổi không, thưa ông?
*Ông PHẠM ĐĂNG PHƯỚC: Ngày 11.3, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 06/2014/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Cụ thể là, hàng năm các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy tổ chức 1- 2 lần tuyển sinh. Các trường có thể tổ chức tuyển sinh riêng hoặc tuyển sinh theo kỳ thi 3 chung của Bộ GD&ĐT. Kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Sửa đổi, bổ sung các đối tượng 01, 03, 04, 06, 07; thí sinh được tuyển thẳng vào đại học.
Sửa đổi, bổ sung Khu vực 1 (KV1) gồm: Các thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 theo quy định hiện hành; Khu vực 2 (KV2) gồm: Các thành phố trực thuộc tỉnh; các thị xã; các huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc KV1).
Bỏ điểm sàn trong việc xét trúng tuyển. Các trường xem xét quyết định phương án điểm trúng tuyển trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí về chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT xác định. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 31 tháng 10 hàng năm đối với trường ĐH và 15 tháng 11 hàng năm đối với trường CĐ.
*PV: Vậy Trường ĐH Phạm Văn Đồng sẽ thực hiện công tác tuyển sinh năm nay như thế nào?
*Ông PHẠM ĐĂNG PHƯỚC: Trường ĐH Phạm Văn Đồng vẫn thực hiện tuyển sinh theo quy định 3 chung của Bộ như những năm trước. Cụ thể là: Bậc ĐH tổ chức thi tuyển, đồng thời xét tuyển theo điểm thi tuyển sinh 3 chung của Bộ quy định. Tổng chỉ tiêu bậc ĐH là 500 sinh viên, gồm các ngành thuộc nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật, sư phạm. Trong đó ngành sư phạm tiếng Anh năm nay mới bắt đầu tuyển sinh. Ngành Công nghệ thông tin nhà trường vẫn được Bộ cho phép tiếp tục tuyển sinh trong năm nay. Bậc CĐ chỉ xét tuyển theo điểm thi ĐH, CĐ năm 2014, theo kết quả thi 3 chung của Bộ với tổng chỉ tiêu là 900 sinh viên, gồm các ngành thuộc nhóm ngành kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, sư phạm. Trong đó có ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường năm nay mới bắt đầu tuyển sinh.
Bậc trung cấp chuyên nghiệp xét tuyển theo tiêu chí tốt nghiệp THPT kết hợp với điểm học bạ năm học lớp 12 đối với các ngành thuộc nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật; xét tuyển theo tiêu chí tốt nghiệp THPT kết hợp với điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đối với nhóm ngành sư phạm. Tổng chỉ tiêu xét tuyển bậc trung cấp chuyên nghiệp là 500 sinh viên.
Năm nay trường còn tổ chức thi tuyển sinh và đào tạo liên thông chính quy CĐ, ĐH; với tổng chỉ tiêu CĐ là 300, ĐH là 100. Bên cạnh đó, trường còn liên kết với các trường ĐH trong cả nước tuyển sinh liên thông CĐ, ĐH theo hình thức vừa làm vừa học, ĐH văn bằng 2, ĐH từ xa với các nhóm ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, sư phạm, luật, quản lý đất đai, với tổng chỉ tiêu là 1.000.
*PV: Cơ sở vật chất và nguồn nhân lực là những yếu tố căn bản quyết định đến chất lượng đào tạo. Đối với Trường ĐH Phạm Văn Đồng thì hai yếu tố trên hiện có đảm bảo chưa, thưa ông?
*Ông PHẠM ĐĂNG PHƯỚC: Đúng như vậy, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực là những yếu tố căn bản quyết định đến chất lượng đào tạo. Nhận thức được điều này, trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi…nên cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của trường được đầu tư xây dựng, bước đầu đáp ứng công tác đào tạo của trường.
Hiện tại, trường có 3 cơ sở phục vụ dạy, học và làm việc được xây dựng khang trang đủ tiêu chuẩn quy định, trong đó cơ sở chính ở đường Phan Đình Phùng nối dài có diện tích gần 24 hecta. Có 2 nhà xưởng với 10 phòng thực hành cơ khí, 2 phòng thực hành điện; 11 phòng thí nghiệm các bộ môn Lý, Hóa, Sinh, Địa, Nông- Lâm-Ngư; 3 phòng thực hành Nhạc, Họa, Mầm non; 16 phòng với gần 650 máy vi tính và các trang thiết bị hiện đại thực hành ngành Công nghệ thông tin; giảng đường ở các khu học tập có 102 phòng; có đầy đủ các sân vận động, sân bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, nhảy xa, nhảy cao... Khu ký túc xá có gần 180 phòng đáp ứng hơn 1.400 chỗ ở cho sinh viên.
Trường đã xây dựng 1 trung tâm thông tin tư liệu với 27.398 đầu sách giáo trình, sách tham khảo thuộc các nhóm ngành đào tạo của nhà trường, và một số tạp chí chuyên ngành, 1 thư viện điện tử đủ phục vụ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên học tập, nghiên cứu. Về xây dựng nguồn nhân lực, hiện trường có 299 cán bộ giảng viên, trong đó có 1 phó giáo sư, tiến sĩ; 8 tiến sĩ; 145 thạc sĩ; 135 đại học. Ngoài ra, trường còn một số cán bộ giảng viên đang làm nghiên cứu sinh, học cao học, gồm: 1 Nghiên cứu sau tiến sĩ, 14 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 24 học cao học.
Với đội ngũ cán bộ, giảng viên và cơ sở vật chất như hiện nay, trường đạt các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, đảm bảo yêu cầu đào tạo có chất lượng.
*PV: Xin cảm ơn ông!
Phú Đức