(Báo Quảng Ngãi)- “Nếu không chọn được những thế mạnh làm trọng tâm thì Trà Bồng rất khó tạo ra được những đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội. Phải xác định được cái gì Trà Bồng có mà các địa phương khác trong tỉnh, trong nước không có hoặc không bằng để phát huy tối đa giá trị mới mong đem lại sự đổi thay tích cực cho huyện được” - Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Ngãi.
*PV: Trước khi nói về những lợi thế của huyện Trà Bồng so với các địa phương khác, xin ông cho biết những kết quả đạt được của huyện trong thời gian qua ?
*Ông NGUYỄN XUÂN BẮC: Cần phải thẳng thắn với nhau rằng, những năm qua, dù Trà Bồng đã đạt được nhiều thành quả rất đáng tự hào trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hiện vẫn là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Nông – lâm nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện. Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức gần 46%. Thế nhưng, cũng không thể phủ nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân Trà Bồng trong công cuộc xây dựng quê hương.
Nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự quản lý, điều hành của các cấp, ngành và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Trung ương và tỉnh, nên giá trị sản xuất của huyện trong năm 2013 đạt hơn 410 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2012. Nhiều chương trình mục tiêu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện cuộc sống của người dân. Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư có trọng tâm, mang lại những chuyển biến tích cực, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trong huyện và giữa huyện với tỉnh.
*PV: Những hạn chế của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội sẽ được giải quyết như thế nào?
*Ông NGUYỄN XUÂN BẮC: Việc đưa Trà Bồng thoát khỏi nhóm nghèo nhất nước không phải là chuyện có thể giải quyết trong thời gian ngắn được. Nhưng cũng không thể “giữ” vị trí này mãi. Do đó, huyện xác định là phải tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp, đặt trọng tâm vào mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng thu nhập cho nông dân; từng bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, tạo nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến; tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường dân sinh, tuyến đường phục vụ sản xuất; đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Trà Bồng sẽ tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện như cây quế, cây keo, ngô, lúa nước, bò, trâu... bằng cách đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, huyện cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành nghề có thế mạnh của huyện như trồng, khai thác và chế biến nông lâm sản.
*PV: Điều gì giúp Trà Bồng có thể tạo ra “sự khác biệt” so với các địa phương khác, thưa ông?
*Ông NGUYỄN XUÂN BẮC: Trước tiên, đó là thương hiệu quế Trà Bồng. Trong năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Châu Á ghi nhận, quế Trà Bồng là 1 trong 8 đặc sản quà tặng Việt Nam xác lập kỷ lục Châu Á mới. Đây là niềm tự hào không chỉ của người dân huyện Trà Bồng, hay của tỉnh Quảng Ngãi mà là niềm vui chung của Việt Nam. Điều này sẽ giúp quế Trà Bồng có nhiều cơ hội vươn ra thị trường Châu Á và thế giới.
Trên cơ sở đó, huyện đã mạnh dạn vận động đồng bào tiếp tục phát triển loại cây truyền thống quý này. Dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng lợi nhuận mà quế mang lại cho bà con và các doanh nghiệp hằng năm là rất đáng kể. Trong tháng 3.2014, huyện sẽ tổ chức hội thảo với sự có mặt của các nhà quản lý, nhà khoa học và nhiều chuyên gia kinh tế để đánh giá tiềm năng và lợi thế của sản phẩm quế Trà Bồng. Từ đó, huyện sẽ có định hướng, kế hoạch phát triển cho cây quế.
Kế đến, điều kiện tự nhiên là một lợi thế khác của Trà Bồng. Những cánh rừng xanh thẳm, mát mẻ ở vùng núi Cà Đam, Cà Đú, cùng suối nước nóng tự nhiên Thạch Bích (thuộc địa phận xã Trà Bình) là vốn quý. Trong chiến lược phát triển của huyện, khu nghỉ dưỡng sinh thái Thạch Bích (gần 300ha) sẽ là cú huých đưa Trà Bồng có tên trong bản đồ du lịch không chỉ của tỉnh mà của cả nước. Vì nguồn nước nóng tự nhiên hiện nay rất quý hiếm. Hơn nữa, trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu về với thiên nhiên luôn hấp dẫn người dân. Sự phát triển của KKT Dung Quất, Khu công nghiệp - đô thị & dịch vụ VSIP Quảng Ngãi thì khu nghỉ dưỡng Thạch Bích sẽ tràn đầy cơ hội thu hút được nhiều du khách.
Về văn hóa tâm linh, hằng năm, Lễ hội điện Trường Bà thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Chính vì vậy, huyện đang lập hồ sơ để trình Bộ VH-TT&DL công nhận Lễ hội điện Trường Bà là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nếu được công nhận, Lễ hội điện Trường Bà sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng trong việc kết hợp du lịch tâm linh và du lịch sinh thái để đánh thức tiềm năng du lịch cho huyện Trà Bồng. Đặc biệt, ý nghĩa cốt lõi của lễ hội chính là việc bảo tồn và phát huy tính kết nối cộng đồng cao của đồng bào Cor nơi đây.
N.TRIỀU - X.THIÊN
(thực hiện)