Kỷ niệm 69 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945-11.3.2014):
Huy động mọi nguồn lực để phát triển vùng An toàn khu Ba Tơ

02:03, 11/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định công nhận 5 xã, thị trấn của huyện Ba Tơ (gồm các xã: Ba Chùa, Ba Thành, Ba Động, Ba Vinh và thị trấn Ba Tơ) là vùng An toàn khu (ATK) trong kháng chiến chống Pháp. Ngay sau đó, huyện Ba Tơ đã lập Đề án phát triển kinh tế - xã hội cho ATK Ba Tơ, giai đoạn 2014 – 2020, với mục tiêu tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội vùng ATK và góp phần bảo vệ, gìn giữ lâu dài, khoa học các quần thể di tích lịch sử quan trọng của quê hương, đất nước. Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945-11.3.2014), PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hàn Phong- Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ xoay quanh đề án này.

*PV: Xin ông cho biết đôi nét về tình hình kinh tế- xã hội ở các xã, thị trấn được công nhận là vùng ATK?

*Ông LÊ HÀN PHONG: Trong những năm qua, vùng ATK Ba Tơ đã có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được cải thiện, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế có tăng nhưng chưa bền vững; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch chậm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, nhất là giao thông, thủy lợi và các công trình văn hóa; trường chuẩn quốc gia đạt thấp và chưa đạt kế hoạch đề ra... Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là do kinh tế của vùng ATK có xuất phát điểm thấp, vị trí địa lý, địa hình không thuận lợi. Đặc biệt, hơn 80% dân số vùng ATK là đồng bào dân tộc Hrê, trình độ canh tác lạc hậu dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh tế chưa cao; tỷ lệ hộ nghèo gần 30%. Trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển. Hơn nữa, nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn thấp.

*PV: Vậy hướng phát triển đối với vùng ATK trong thời gian đến sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?

*Ông LÊ HÀN PHONG: Việc phát huy các giá trị lịch sử của vùng ATK Ba Tơ là trách nhiệm không chỉ của riêng huyện Ba Tơ, mà rất cần sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, ngành. Huyện xác định, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng phải đi liền với nhiệm vụ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau. Đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội cần đi đôi với công tác xây dựng nông thôn mới. Huyện sẽ đầu tư phát triển vùng ATK theo hướng tập trung ưu tiên cơ sở hạ tầng như: Trường học, thủy lợi, trạm y tế, giao thông... Bên cạnh đó, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, tập trung giảm nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác của tỉnh và cả nước.

Cụ thể là, mục tiêu đến năm 2020, vùng ATK Ba Tơ cơ bản trở thành một khu di tích lịch sử - văn hóa – sinh thái xứng tầm với di tích Quốc gia. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên thành 25 - 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3 - 4%, giải quyết việc làm mới trên 700 người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, 3/5 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, 100% xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% trường học được kiên cố hóa, 80% số trường đạt chuẩn Quốc gia; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, 95% người dân được dùng nước hợp vệ sinh...

*PV: Đây là những mục tiêu không dễ đạt được. Vậy đâu là giải pháp để vùng ATK phát triển như kỳ vọng?

*Ông LÊ HÀN PHONG: Để các mục tiêu trên sớm đạt được, huyện Ba Tơ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 15 - 17%/năm. Thực hiện có hiệu quả các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tập trung kêu gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp Ba Động ở các lĩnh vực chế biến nông - lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ... Khai thác, quản lý tốt chợ thị trấn Ba Tơ, chợ liên khu Ba Động. Đẩy mạnh phát triển và mở rộng các cơ sở dịch vụ, các điểm du lịch văn hóa – lịch sử, thu hút khách tham quan.

Nguồn vốn huy động để thực hiện các mục tiêu trên ước khoảng 1.200 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương là 240 tỷ đồng, vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia khoảng 228 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh cân đối 175 tỷ đồng, các nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển trên 215 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp 36 tỷ đồng và các nguồn huy động khác gần 280 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí khá lớn, do đó, huyện Ba Tơ đang rất cần sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các thành phần xã hội.


*PV: Xin cảm ơn ông!


NGUYỄN TRIỀU
(thực hiện)
 


.