(Báo Quảng Ngãi)- Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi gây ra thuộc họ Paramyxoviridase, có tính lây nhiễm mạnh. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông xuân. PV. Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi Bác sĩ Võ Văn Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh về cách phát hiện và phòng dịch bệnh này.
*PV: Xin bác sĩ cho biết tình hình dịch sởi hiện nay đang diễn biến như thế nào?
*Bác sĩ VÕ VĂN PHÚ: Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo khác như viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm não… và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong. Dịch thường có tính chu kỳ, những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vắc xin sởi đều có cảm nhiễm với bệnh sởi, bệnh gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Quảng Ngãi, triển khai thành công Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1984 đến nay. Năm 2013 có 26 trường hợp sốt phát ban nhưng lấy mẫu thì không có trường hợp nào dương tính với sởi. Trên địa bàn tỉnh cho đến thời điểm này chưa thấy xuất hiện trường hợp bệnh nhân mắc sởi, nhưng Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã chỉ đạo tất cả các huyện, nhất là các huyện miền núi giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời các đối tượng chưa tiêm hoặc chưa được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi khi đến 18 tháng tuổi để thực hiện tiêm bổ sung với lịch tiêm chủng hàng tháng.
*PV: Đâu là dấu hiệu để nhận biết bệnh sởi, thưa bác sĩ?
*Bác sĩ VÕ VĂN PHÚ: Thời gian ủ bệnh kéo dài, trung bình tới 10 ngày nên sởi có thể lây bệnh ngay từ khi bệnh còn chưa khởi phát, nghĩa là trong khoảng thời gian ủ bệnh, virus sởi từ người mang mầm bệnh đã có thể lây cho người khác.
Khởi phát bằng triệu chứng viêm long là biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh sởi: sốt cao, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, tiêu chảy, nổi hạch (cổ, sau tai…), sưng đau khớp; khám họng có thể thấy những nốt Koplik (những chấm trắng nhỏ nổi trong niêm mạc má màu đỏ, sung huyết đối diện với răng hàm thứ nhất), sẽ biến mất trong vòng 12-18 giờ sau khi xuất hiện.
Thời kỳ toàn phát (thời kỳ phát ban): Các ban đỏ thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, bắt đầu từ sau tai, lan dần ra hai bên má, ngực bụng, phần chi trên. Trong 24 giờ tiếp, ban lan ra sau lưng, hông và chi dưới...
Vì vậy, khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng viêm đường hô hấp, viêm kết mạc thì cần nghĩ ngay đến bệnh sởi và phải đến cơ sở y tế khám.
*PV: Bác sĩ cho biết bệnh sởi có những biến chứng thế nào và làm gì khi trẻ bị sởi?
*Bác sĩ VÕ VĂN PHÚ: Khi mắc bệnh sởi có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên dễ gây ra biến chứng viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng (thường 2-3 tháng sau mới hồi phục), mù lòa, viêm não… hoặc tử vong. Vì thế, đến nay sởi vẫn được coi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Đối với những trường hợp mắc sởi nhẹ, không cần phải nhập viện mà được hướng dẫn điều trị tại nhà. Người bệnh cần được nằm cách ly, tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt, ăn thức ăn mềm, hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang. Tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc Đông y, nếu dùng thuốc kháng sinh thì phải tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều... thì lúc đó phải đưa đến bệnh viện điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Để phòng bệnh, biện pháp tốt nhất là tiêm vắcxin phòng sởi. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng, chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Vắc xin sởi là một trong những vắc xin có hiệu quả cao và an toàn trong phòng bệnh.
*PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
PV- B.Phương (thực hiện)