Cần rút kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai

12:11, 29/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trận lũ lịch sử vừa qua đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản trên địa bàn huyện Nghĩa Hành. Để hiểu rõ hơn về tình hình thiệt hại, biện pháp khắc phục và bài học kinh nghiệm rút ra từ cơn lũ này, PV.Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Quang Tịnh- Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành.

 *PV: Xin đồng chí cho biết những thiệt hại lớn mà cơn lũ vừa qua gây ra và đến nay đã được khắc phục như thế nào?


*Đồng chí LÊ QUANG TỊNH: Trận lũ vừa qua đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,6m. Có 12/12 xã, thị trấn bị ảnh hưởng, nặng nhất là các xã ở 2 bên sông Vệ và sông Phước Giang. Toàn huyện có trên 16.000 hộ bị ảnh hưởng, 39 người bị thương, 5 người chết; nhà kiên cố sập 20 căn, nhà bán kiên cố bị hư 143 căn... Tổng giá trị thiệt hại trên 321 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông nghiệp trên 132 tỷ đồng, giao thông 70 tỷ đồng, thuỷ lợi 45 tỷ đồng...

Sau khi lũ rút, từ ngày 16.11 đến nay, huyện đã tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do lũ để lại, trong đó tập trung cứu đói, chống rét cho người già, trẻ em; thu gom, xử lý gia súc, gia cầm chết, nhằm phòng chống phát sinh dịch bệnh sau lũ. Đến nay, hệ thống các giếng đào, công trình nhà vệ sinh bị ngập lụt đã được xử lý, vệ sinh môi trường; cơ quan công sở, trường học, trạm y tế hoạt động trở lại; các tuyến đường giao thông liên xã, thôn, xóm đều cơ bản đã khắc phục tạm thời xong, đảm bảo cho việc đi lại của nhân dân.

*PV: Vậy công tác khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn huyện thời gian qua có khó khăn gì?

*Đồng chí LÊ QUANG TỊNH: Việc khắc phục hậu quả trận lũ này đòi hỏi phải có thời gian dài, sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội cùng với sự nỗ lực của người dân. Về dân sinh, huyện cần hỗ trợ gạo ăn cho 9.119 hộ (31.676 khẩu) trong thời gian 3 tháng (khoảng 880.965 kg); xây mới và sửa chữa 174 nhà và các nhu yếu phẩm, vật dụng sinh hoạt khác... Hỗ trợ khẩn cấp để khôi phục sản xuất, gồm 198 tấn lúa giống, 10 tấn ngô, 120.000 con gà, 10.000 con heo, 100 con trâu, bò... khắc phục các công trình thuỷ lợi, sa bồi thuỷ phá với tổng nhu cầu kinh phí trên 45 tỷ đồng và gần 60 tỷ đồng đầu tư khắc phục cơ sở hạ tầng.

Trước mắt, huyện trích nguồn kinh phí dự phòng khoảng 2 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ đất lúa  khoảng 1 tỷ đồng... để khắc phục hệ thống thuỷ lợi, khôi phục đồng ruộng bị sa bồi thuỷ phá. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là, việc chi hỗ trợ cho người dân khắc phục sa bồi thuỷ phá theo Văn bản 191 của UBND tỉnh chỉ có 5 triệu đồng/ha và nhà sập hỗ trợ xây mới 17 triệu đồng/hộ (miền núi) - 15 triệu đồng/hộ (đồng bằng) là còn thấp.

Ngoài ra còn có việc người dân ở một số địa phương so sánh với nhau về việc nhận tiền, hàng cứu trợ. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều. Sau khi nhận được thông tin, huyện chỉ đạo các xã rà soát lại mức độ thiệt hại và số tiền, hàng mà từng hộ được nhận, trên cơ sở đó cân đối và định hướng cho những đoàn cứu trợ sau này về hỗ trợ cho dân theo hướng ưu tiên những hộ bị thiệt hại nặng.

*PV: Qua trận lũ này, điều gì huyện cần rút kinh nghiệm thưa đồng chí?

*Đồng chí LÊ QUANG TỊNH: Trong trận lũ vừa qua, phương án 4 tại chỗ ngay trong từng xóm, khu dân cư, từng thôn và từng xã được phát huy có hiệu quả. Bởi lẽ, khi lũ lên nhanh thì khó có phương tiện hiện đại nào có thể tiếp cận ngay được, nhất là vào ban đêm.

Tuy nhiên, phương án 4 tại chỗ này cũng còn nhiều bất cập. Đó là sự quan tâm đầu tư các phương tiện như xuồng, áo phao, cấp phát xăng dầu dự phòng, tập huấn cứu hộ, cứu nạn cho từng khu dân cư xung yếu chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều nơi phải dùng can nhựa, thuyền thủng đáy đi cứu hộ... Phương tiện phục vụ điều hành chỉ đạo trong lũ, như máy phát điện, điện thoại di động còn nhiều hạn chế. Một số người dân và chính quyền cấp xã, thôn chưa chấp hành nghiêm việc chủ động di chuyển người già, trẻ em đến nơi an toàn nên trong số 5 người chết thì chỉ có một học sinh bị rơi xuống sông khi đi học, còn lại 4 trường hợp đều là người già, sống neo đơn. Vấn đề này cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Mô hình chòi tránh lũ do Bộ Xây dựng triển khai thí điểm tại xã Hành Thiện đã phát huy được hiệu quả tích cực trong trận lũ này nên cần được nhân rộng. Đồng thời, trong quá trình quy hoạch khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng cần chú ý đến hướng thoát lũ, vì thực tế có nhiều công trình xây dựng hiện nay trở thành vật cản dòng chảy mỗi khi có mưa, gây nên lũ cục bộ.

*PV: Xin cảm ơn đồng chí


    Phú Đức (thực hiện)
 


.