(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, trên địa bàn Quảng Ngãi có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề được thành lập hoặc nâng cấp. Sự ra đời đó đã góp phần không nhỏ trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh, trong đó có Cơ sở đào tạo miền Trung- Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (tại Quảng Ngãi). Để hiểu rõ hơn về những hoạt động của nhà trường trong thời gian qua, PV.Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Ngô Thị Hồng Đào- Trưởng Cơ sở đào tạo miền Trung tại Quảng Ngãi.
*PV: Xin bà cho biết, vì sao trường quyết định thành lập Cơ sở đào tạo miền Trung tại Quảng Ngãi mà không phải là một nơi khác? Và qua 6 năm hoạt động kết quả đào tạo như thế nào?
*Bà Ngô Thị Hồng Đào: Quảng Ngãi là địa phương nằm gần như ở trung tâm của khu vực miền Trung và cách Tây Nguyên không phải là xa. Đây cũng là khu vực nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đang trên đà phát triển, có nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và lượng công nhân kỹ thuật rất lớn. Mặt khác, nguồn tuyển sinh ở khu vực miền Trung khá dồi dào, nhưng điều kiện kinh tế còn khó khăn nên con em của người dân nơi đây ít có điều kiện đi học xa, đồng thời Quảng Ngãi cũng chưa có nhiều trường đại học, cao đẳng... Đây là những lý do để trường quyết định thành lập Cơ sở đào tạo miền Trung (CSMT) tại Quảng Ngãi.
Qua 6 năm hoạt động, CSMT đã đào tạo trên 14 ngàn HSSV ở tất cả các bậc học. Đến tháng 10.2013 đã có trên 9 ngàn HSSV tốt nghiệp ra trường. Qua khảo sát sơ bộ, phần lớn HSSV của trường sau khi tốt nghiệp đều đã có công việc ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh. Cũng phải nói rằng, có được bộ mặt cơ sở vật chất như ngày hôm nay, trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các ngành chức năng của tỉnh và thành phố.
*PV: Chất lượng đào tạo phụ thuộc rất lớn vào cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Vậy công tác này được cơ sở thực hiện như thế nào?
*Bà Ngô Thị Hồng Đào: Chất lượng đào tạo luôn là yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển của bất kỳ một cơ sở đào tạo nào. Xác định được tầm quan trọng đó, ngay từ ngày đầu thành lập, trường đã được tỉnh tạo điều kiện về mặt bằng để đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất. Trong đó, trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng khu ký túc xá cho sinh viên với quy mô trên 2.000 chỗ ở tại đường Nguyễn Du, có đầy đủ tiện nghi phục vụ cho việc học và nghiên cứu cho sinh viên. Riêng cơ sở giảng dạy tại đường Quang Trung được đầu tư tương đối hiện đại. Các phòng thực hành thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ dạy và học đều được đầu tư đạt chuẩn.
Bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, công tác tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giảng viên đạt chuẩn cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Trường hiện có 140 cán bộ, giảng viên và hợp đồng lao động, trong đó có 88 cán bộ giảng viên, phần lớn có tuổi đời còn trẻ, nhiệt huyết trong công tác, say mê nghiên cứu khoa học. Đáng mừng là, sau 6 năm tuyển dụng và đào tạo, 100% giảng viên của trường đều có trình độ thạc sĩ, trong đó có 15% đang làm nghiên cứu sinh và tiến sĩ. Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, CSMT còn được tăng cường các chuyên gia và giảng viên giàu kinh nghiệm từ TP.HCM ra giảng dạy, hướng dẫn thực hành. Cơ sở hiện có 3 khoa: Khoa học cơ bản, kinh tế và công nghệ, với mục tiêu đào tạo là coi trọng kỹ năng thực hành, sáng tạo và tự chủ trong nghiên cứu của HSSV và đào tạo những ngành nghề có tính chiến lược lâu dài đối với khu vực miền Trung.
*PV: Được biết, năm học này CSMT không được tham gia tuyển sinh. Vậy đâu là lý do?
*Bà Ngô Thị Hồng Đào: Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, năm học này, CSMT tạm thời ngừng tuyển sinh bậc đại học và cao đẳng chuyên nghiệp. Nguyên nhân do CSMT chưa nâng cấp lên Phân hiệu của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Khi nào có quyết định thành lập Phân hiệu của Bộ GD&ĐT thì mới được Bộ cấp chỉ tiêu và tiếp tục tuyển sinh. Đây là điều rất đáng tiếc nhưng là cần thiết cho sự phát triển lâu dài của cơ sở này.
*PV: Vậy nhà trường cần làm gì để khai thác có hiệu quả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, góp phần tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung nói chung trong thời gian đến?
*Bà Ngô Thị Hồng Đào: Hiện nay, cơ sở đã hoàn thiện thủ tục trình Bộ GD&ĐT cho phép nâng cấp Cơ sở miền Trung thành Phân hiệu Trường ĐHCN TP.HCM tại tỉnh Quảng Ngãi. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Hy vọng với sự quan tâm đó, năm 2014 cơ sở sẽ được phép tham gia tuyển sinh, mở ra cơ hội được học cho con em người dân khu vực miền Trung. Thời gian đến, nhà trường sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giáo dục toàn diện, giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Đây được xem là nhiệm vụ thường xuyên, cơ bản, lâu dài trong thời kỳ CNH, HĐH; phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực cho cả khu vực miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi.
*PV: Xin cảm ơn bà!
Phú Đức (thực hiện)