(QNg)- Đầu năm 2013, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện rất sớm ở phía Nam Biển Đông. Trong mùa khô, nhiều điểm xuất hiện mưa lớn nhất lịch sử so cùng thời kỳ... Điều đó chứng tỏ, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến thời tiết Quảng Ngãi. Ông Nhâm Xuân Sỹ cho biết rõ hơn về diễn biến thời tiết bất thường như bão mạnh, mưa lũ lớn... rất có khả năng xảy ra trên địa bàn Quảng Ngãi, nhằm chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
*P.V: Tình hình bão và áp thấp nhiệt đới trong những tuần vừa qua xuất hiện liên tục và diễn biến phức tạp, là cơ quan dự báo ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
*Ông NHÂM XUÂN SỸ: Chúng tôi đã dự báo, trong năm 2013, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông khoảng 11 - 13 cơn. Số lượng bão ở mức tương đương với trung bình nhiều năm (TBNN); trong đó khả năng có khoảng 2 - 4 cơn bão hoặc ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến tỉnh Quảng Ngãi. Chúng ta cần đề phòng có bão mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến ta trong thời gian đến.
Trước ngày 20.6.2013 chỉ có 1 cơn bão và 1 cơn ATNĐ xuất hiện sớm trên Biển Đông, không ảnh hưởng nhiều đến thời tiết Quảng Ngãi. Tuy nhiên, từ ngày 20.6 đến nay có thêm 6 cơn bão và 2 cơn ATNĐ trên Biển Đông. Mật độ bão và ATNĐ đã dày lên và cấp độ bão mạnh lên rất nhiều. Điều này cho thấy, tình hình bão và ATNĐ xuất hiện trên Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Vì vậy, đánh giá chính xác sự nguy hiểm khôn lường của bão và ATNĐ sẽ giúp chúng ta chủ động đối phó hiệu quả với bão lũ.
*P.V: Lượng mưa năm nay có diễn biến bất thường, thưa ông?
*Ông NHÂM XUÂN SỸ: Theo quan trắc của chúng tôi, trong 7 tháng năm 2013 ở vùng núi Quảng Ngãi có tổng lượng mưa cao hơn TBNN, phổ biến từ 850 - 1.200 mm; vùng đồng bằng 300 - 600 mm. Cụ thể: Tháng 1 và tháng 5 ở mức xấp xỉ và thấp hơn so với TBNN; tháng 2 - 4 phổ biến cao hơn so với TBNN từ 1,5 đến 3,5 lần (Vùng đồng bằng có lượng mưa tháng 3 xấp xỉ TBNN). Cá biệt trong tuần 2 tháng 4 ở Giá Vực, Mộ Đức có lượng mưa cao nhất lịch sử cùng thời kỳ (1978 - nay).
Từ ngày 11 – 20.6 ở vùng núi trên lưu vực sông Trà Khúc, Sông Vệ vào buổi chiều liên tục có mưa dông với lượng mưa phổ biến từ 80 - 150 mm. Cá biệt trong tháng 7, lượng mưa ở Minh Long đạt 328 mm, đạt mức lịch sử, Ba Tơ ở mức xấp xỉ lịch sử, lưu vực sông Trà Khúc, Sông Vệ dao động 200-300mm, nên trong tháng có 2 đợt dao động mực nước với biên độ 1 - 2 m ở hai con sông này.
Nói chung, trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7.2013 trên địa bàn tỉnh do có mưa dông ở khu vực miền núi, đã bổ sung lượng nước đáng kể cho vùng hạ du. Vì vậy, đến nay về cơ bản tình trạng khô hạn không xảy ra, chỉ trừ một số nơi hạn cục bộ.
*P.V: Ông có thể đưa ra một số nhận định về xu thế thời tiết và thủy văn những tháng cuối năm 2013?
*Ông NHÂM XUÂN SỸ: Như trên tôi đã đề cập, trong năm 2013, số lượng bão và ATNĐ hoạt động trên Biển Đông khoảng 11 - 13 cơn, trong đó khả năng có khoảng 2 - 4 cơn bão hoặc ATNĐ ảnh hưởng đến Quảng Ngãi.
Nền nhiệt độ các tháng mùa mưa năm 2013 ở mức xấp xỉ và cao hơn so với TBNN. Mùa mưa năm 2013 có khả năng đến sớm hơn TBNN. Lượng mưa của 4 tháng mùa mưa năm nay cao hơn so với TBNN. Cụ thể, tháng 9 xấp xỉ TBNN, tháng 10- 11 xấp xỉ và cao hơn TBNN, tháng 12 xấp xỉ và thấp hơn so với TBNN.
Mùa mưa lũ năm 2013 có khả năng xuất hiện từ 3 - 5 đợt lũ vừa và lớn. Năm nay lũ có khả năng xuất hiện sớm hơn so với TBNN - vào khoảng giữa tháng 9 và kết thúc vào đầu tháng 12. Lũ lớn tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11. Đỉnh lũ cao nhất năm có khả năng ở mức báo động 3, có sông trên mức báo động 3 và ở mức xấp xỉ, cao hơn đỉnh lũ TBNN.
*P.V: Ông có những khuyến cáo gì về công tác phòng, chống lụt bão?
*Ông NHÂM XUÂN SỸ: Về cái chung, chúng tôi đã kiến nghị Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh chỉ đạo rà soát chặt chẽ quy trình vận hành hồ chứa của các công trình thủy điện, hồ thủy lợi để đảm bảo an toàn đập cũng như cho hạ du. Vì hiện tại trên địa bàn Quảng Ngãi đã và đang có nhiều hồ thủy điện đi vào hoạt động như Hà Nang, Đăkđrinh, Nước Trong... với quy mô dung tích và công suất khá lớn. Bên cạnh đó, việc sửa chữa, gia cố các hồ thủy lợi vừa và nhỏ cũng cần được đặc biệt quan tâm.
Đối với ngư dân hoạt động đánh bắt trên biển phải liên tục theo dõi dự báo thời tiết để chủ động phòng, tránh bão. Vùng núi khả năng có mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn ở thượng nguồn, nên cần đề phòng lũ ống, lũ quét và sạt lở núi. Người dân vùng đồng bằng chủ động đối phó với nguy cơ như ngập úng ở vùng trũng, sạt lở ven sông, ven biển... trong mùa mưa bão năm nay.
THANH TOÀN
(thực hiện)