(Báo Quảng Ngãi)- Với những con người không may sa chân vào pháp luật bị tù tội đều mong muốn sớm trở lại đoàn tụ với gia đình, người thân. Chắp cánh cho những ước mơ đó không ai khác ngoài cán bộ quản giáo trại giam. Họ là những người thầy gương mẫu trong cuộc sống, tận tâm với nghề, biết yêu thương, chia sẻ. Đó cũng là nội dung cuộc trao đổi giữa PV.Báo Quảng Ngãi với thượng tá Trần Văn Vốn- Trưởng Ban giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh.
*PV: Xin đồng chí cho biết việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục phạm nhân và can phạm trong thời gian qua thế nào?
*Thượng tá TRẦN VĂN VỐN: Trại tạm giam Công an tỉnh có chức năng giam giữ các phạm nhân thụ án ở mức từ 5 năm trở xuống cho tất cả các loại tội phạm (trừ án ma tuý, xâm phạm an ninh quốc gia...). Đồng thời cũng là nơi tạm giữ các can phạm để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử. Trung bình mỗi tháng, trại tiếp nhận, quản lý, giáo dục khoảng 60-75 phạm nhân và từ 250-300 can phạm. Trong đó, can phạm nhân nằm ở độ tuổi 18-35 chiếm khoảng 90% và tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hoá. Đối tượng phạm tội chủ yếu ở khu vực thành phố Quảng Ngãi và các huyện đồng bằng trong tỉnh.
Những năm qua, đơn vị đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, quản lý chặt chẽ, sâu sát, nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân, can phạm để có biện pháp tác động giáo dục phù hợp. Nhờ đó, hàng năm số phạm nhân được xếp loại cải tạo khá, tốt chiếm từ 90%- 95%. Nhiều năm liên tục không có can phạm nhân trốn trại, các chế độ đối với phạm nhân và can phạm như ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh, thăm gặp gia đình, xét tha, xét giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn được thực hiện đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch.
Trong thời gian chấp hành án, phạm nhân được đơn vị quan tâm chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần; được đọc sách, báo tại thư viện, xem ti vi, tập thể dục, chơi thể thao, tham gia văn nghệ... Qua đó có tác dụng giáo dục cao và mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Đơn vị cũng cũng đã ký kết Quy chế phối hợp với xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), Hội LHTN tỉnh tổ chức nhiều hoạt động thể hiện sự đổi mới trong công tác quản lý, giáo dục can phạm nhân, đảm bảo các quyền của con người trong thời gian thi hành án. Cụ thể là, tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân, đào tạo nghề trồng nấm cho phạm nhân, các phương thức sản xuất, chăn nuôi trong phạm vi gia đình. Từ đó đã khơi dậy trong phạm nhân và người thân của họ niềm tin phục thiện để ra sức cải tạo để sớm ra trại, hòa nhập cộng đồng và trở thành công dân tốt.
*PV: Vậy biện pháp nào để đơn vị có được những thành công nêu trên?
*Thượng tá TRẦN VĂN VỐN: Trong quá trình tiếp nhận, quản lý và giáo dục can phạm nhân, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn thực hiện đúng nguyên tắc "dân chủ- công bằng- kỷ cương- tình thương và trách nhiệm". Mỗi người cán bộ, chiến sĩ phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống, trong công việc, có tấm lòng bao dung, vị tha. Chính điều này đã làm cho can phạm nhân yên tâm cải tạo tốt.
Trong số 15 cán bộ quản giáo chỉ có một người được đào tạo đại học chính quy, còn lại đa số chuyển từ lính nghĩa vụ qua và trong đó chỉ có 1 quản giáo là nữ. Trước thực trạng đó, đơn vị chỉ còn có cách là lớp người đi trước truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau về kỹ năng giao tiếp, nắm bắt diễn biến tâm sinh lý của can phạm nhân... để từ đó mới có thể trở thành "người thầy", người bạn của can phạm nhân.
Cơ sở vật chất của trại từng bước được đầu tư xây dựng khang trang, đảm bảo các điều kiện lao động, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của can phạm nhân cũng là yếu tố góp phần cho sự thành công đó.
*PV: Việc xét duyệt danh sách phạm nhân được đề nghị Chủ tịch nước đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2.9 đến nay đã thực hiện như thế nào?
*Thượng tá TRẦN VĂN VỐN: Đến thời điểm này việc xét đặc xá dịp 2.9 đã thực hiện đúng tiến độ đề ra. Việc kiểm tra, xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá tha tù trước thời hạn đều được tiến hành công khai, minh bạch, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của đợt đặc xá theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Kết quả có 23 phạm nhân được đề nghị xét tha tù trước thời hạn.
Nhân đây, đơn vị cũng mong các đơn vị liên quan phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân để xoá bỏ mặc cảm, kỳ thị đối với người được đặc xá. Đồng thời cần làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phú Đức (thực hiện)