Sẽ có nhiều chính sách giữ chân bác sĩ ở các trạm y tế xã

02:07, 13/07/2013
.

(QNg)- Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi trong cuộc trả lời phỏng vấn của PV Báo Quảng Ngãi.

*PV:  Có dư luận cho rằng, do một số chế độ chính sách đối với bác sĩ công tác ở miền núi nói chung, bác sĩ ở các trạm y tế nói riêng chưa hợp lý nên đã bỏ việc về xuôi hoặc chuyển công tác. Xin ông cho biết rõ về vấn đề này?

*Ông Nguyễn Tấn Đức: Những năm qua, một số bác sĩ ở các huyện miền núi nói chung, bác sĩ ở các trạm y tế xã nói riêng đã bỏ việc hoặc xin chuyển công tác là có. Nguyên nhân cho rằng, do một số chế độ chính sách đối với bác sĩ công tác ở đó chưa hợp lý là hoàn toàn chưa đúng. Vì từ năm 2010, Sở Y tế đã triển khai thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP, ngày 30/7/2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã chủ yếu khám, điều trị cho những bệnh thông thường với trang thiết bị y tế cơ bản, còn chủ yếu làm công tác y tế cộng đồng, triển khai thực hiện các Chương trình y tế quốc gia. Do đó, một số ít bác sĩ bỏ việc hoặc xin chuyển công tác lên bệnh viện tuyến trên trong và ngoài tỉnh, các phòng khám tư nhân để có điều kiện nâng cao chuyên môn kỹ thuật, tay nghề. Mặt khác, một số bệnh viện ngoài tỉnh, phòng khám tư nhân mới mở nên có nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút bác sĩ đến công tác.

*PV: Mục tiêu của ngành y tế đưa ra trong nhiệm kỳ này là 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có bác sĩ phục vụ công tác lâu dài. Vậy nay đã qua nửa nhiệm kỳ, mục tiêu này đã đạt như thế nào?

*Ông Nguyễn Tấn Đức: Toàn tỉnh hiện có 184 xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã), trong đó có 182 trạm y tế (xã An Vĩnh và An Hải, huyện Lý Sơn không có trạm y tế vì hoạt động chung với Trung tâm Y tế Quân dân y huyện Lý Sơn). Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 159 bác sĩ xã, được bố trí biên chế ở 152 trạm, đạt 83,5%. Đến tháng 8/2013 sẽ có thêm 14 bác sĩ xã tốt nghiệp, nâng tổng số trạm có bác sĩ lên 157 trạm, đạt 86,26%.

Để 100% trạm có bác sĩ vào cuối năm 2015, từ năm 2010 đến nay, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh cử 108 y sĩ, trong đó có 63 y sĩ ở các trạm theo học bác sĩ hệ tập trung 4 năm tại Trường ĐH Y Dược Huế và Trường ĐH Y Dược TP HCM. Tôi tin rằng, đến cuối nhiệm kỳ, chỉ tiêu 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ là sẽ đạt được. Ngoài ra, Sở cũng đưa ra nhiều biện pháp để tạo thêm động lực góp phần giữ chân bác sĩ tại các huyện miền núi và trạm y tế xã.

*PV: Việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh là nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Xin ông cho biết kết quả và những khó khăn trong công tác này?.

*Ông Nguyễn Tấn Đức: Từ năm 2010, ngành y tế Quảng Ngãi đã triển khai được nhiều đề án dành cho tuyến y tế cơ sở. Nổi bật nhất là nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men và nhân lực cho trạm y tế xã để xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Đến nay đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 76 trạm y tế xã, 6 trung tâm y tế huyện miền núi, 7 bệnh viện đa khoa huyện đồng bằng, kết hợp với Tỉnh đội xây dựng mới TTYT kết hợp quân dân y huyện Lý Sơn. Trang thiết bị y tế được tăng cường và phát huy hiệu quả sử dụng tại các tuyến.

Toàn ngành có 17 bệnh viện với 2.485 giường bệnh, 10 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, 7 trung tâm y tế huyện, 7 trung tâm y tế dự phòng huyện, 14 Trung tâm DS-KHHGĐ huyện. Hiện có 107 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế, với tỷ lệ 58,15%. Nguồn nhân lực của ngành cũng được nâng lên, với 3.695 cán bộ, viên chức, trong đó có 589 bác sĩ và 40 dược sĩ, có 45 Thạc sĩ y khoa, 13 bác sĩ Chuyên khoa cấp II, 176 bác sĩ Chuyên khoa cấp I, 4 nghiên cứu sinh…

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển thì vẫn còn những hạn chế, khó khăn, như: Xuất phát điểm của ngành Y tế Quảng Ngãi về cơ sở trang thiết bị, nhân lực còn nhiều hạn chế, trong khi đó nhu cầu đầu tư về vốn và nhân lực rất lớn, nên trong một thời gian ngắn, không thể thực hiện được toàn bộ những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra ban đầu. Cơ sở trạm y tế xã chưa được đầu tư đúng mức. Nhu cầu đòi hỏi được cung cấp các dịch vụ y tế với chất lượng cao và hiệu quả của nhân dân ngày càng nhiều nhưng khả năng đáp ứng của ngành y tế chưa đạt, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Những biện pháp thực hiện xã hội hoá công tác y tế tại cộng đồng để góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn nhiều hạn chế.

*PV: Xin cảm ơn ông!


Phú Đức
 


.