Ông Lê Hồng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chi nhánh Quảng Ngãi:
Chính sách vốn cho "tam nông" luôn đảm bảo

09:07, 05/07/2013
.

(QNg)- Là đơn vị phục vụ đắc lực cho sự phát triển của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) - Chi nhánh Quảng Ngãi đã giúp hàng triệu lượt nông dân trong tỉnh có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Ông Lê Hồng cho biết một số hoạt động của đơn vị này.

*P.V: Những chính sách lớn của Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Quảng Ngãi đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay, thưa ông?

*Ông LÊ HỒNG: Những năm gần đây, thực hiện Nghị định số 41 năm 2010 của Chính phủ, hệ thống ngân hàng nông nghiệp tập trung cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Theo quy định chung của ngành, ở lĩnh vực này phải đạt trên 70% tổng dư nợ cho vay. Đối với Chi nhánh Quảng Ngãi, chúng tôi đã thực hiện cho vay khoảng 3.500 tỷ đồng, đạt trên 80% tổng dư nợ, cao hơn quy định của ngành.


Trong cho vay theo Nghị định số 41, thông qua hàng ngàn tổ vay vốn của Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ, tính đến 29/6/2013, chúng tôi đã cho vay trên 700 tỷ đồng.

Một chính sách lớn nữa mà chúng tôi đang thực hiện là cho vay hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững thuộc Chương trình 30a. Đến 29/6/2013, cho vay đối với 6 huyện miền núi trong tỉnh thụ hưởng Chương trình 30a đạt dư nợ khoảng 63 tỷ đồng và có 1.200 khách hàng vay. Đây là nguồn cho vay hỗ trợ nên lãi suất chỉ bằng 50% mức lãi suất hiện hành của hệ thống ngân hàng NN-PTNT.

*P.V: Ông có thể lý giải rõ hơn vì sao nông dân Quảng Ngãi khó tiếp cận nguồn vốn thuộc chính sách cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản?

*Ông LÊ HỒNG: Chính sách cho vay nêu trên thể hiện trong Quyết định số 63 và số 65 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Quảng Ngãi chưa cho vay được vì gặp một số vướng mắc.

Theo quy định, máy móc, nông cụ hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thuỷ sản phải là sản phẩm sản xuất trong nước có giá trị trên 60%. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT quy định danh sách đơn vị sản xuất, cung ứng những loại máy móc nêu trên đa phần đều ở các tỉnh phía Nam, chưa có đại lý giới thiệu ở khu vực miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng nên nông dân khó tiếp cận các loại máy này. Mặt khác, đồng ruộng ở Quảng Ngãi nhỏ lẻ, manh mún không phù hợp với tính năng hoạt động của các loại máy đó...


*P.V: Thời gian qua Ngân hàng NN-PTNT đã có những cải cách gì về thủ tục vay vốn để khách hàng dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn của  ngân hàng?

*Ông LÊ HỒNG: Ngoài Chi nhánh tỉnh, chi nhánh các huyện, trong hệ thống ngân hàng NN-PTNT của chúng tôi còn có các phòng giao dịch ở các xã trọng điểm trực thuộc chi nhánh huyện, có đội ngũ cán bộ tín dụng ở các xã và hàng ngàn tổ vay vốn của Hội Nông dân và Hội Liên hiệp phụ nữ ở cơ sở. Với hệ thống tổ chức chặt chẽ và rộng khắp như thế nên chúng tôi có điều kiện tiếp cận nông dân để hướng dẫn họ làm thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất. Chúng tôi đã tiết giảm tối đa về trình tự, thủ tục vay vốn cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý. Đối với chính sách vốn cho "tam nông" chúng tôi luôn đảm bảo đủ nguồn cho vay và kịp thời vụ.

*P.V: Trước tình hình kinh tế suy thoái, đơn vị đã có những giải pháp gì để hoạt động ổn định và phát triển?


*Ông LÊ HỒNG: Chúng tôi đã dự lường những tác động của suy thoái kinh tế đến hoạt động tín dụng như hàng tồn kho cao; doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể... Theo đó, áp lực về nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng lên. Trước những khó khăn đó, Ban Giám đốc và các phòng nghiệp vụ Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Quảng Ngãi đã tập trung tháo gỡ với các giải pháp như cơ cấu lại nợ; gia hạn lãi vay; tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay mới phục hồi sản xuất... Đối với chi nhánh cấp huyện, tập trung tạo điều kiện cho nông nghiệp và nông thôn tiếp cận vốn và ưu tiên cho những đối tượng sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó, chúng tôi phân công cán bộ tín dụng đi cơ sở tiếp cận, hướng dẫn và cùng khách hàng giải quyết khó khăn.

*P.V: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như vậy thì Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Quảng Ngãi đạt được những kết quả như thế nào trong 6 tháng đầu năm 2013?

*Ông LÊ HỒNG: Tính đến ngày 29/6/2013, nguồn vốn của đơn vị  tăng 335 tỷ, tăng 7% so với năm 2012; dư nợ tăng 265 tỷ đồng, tăng 6,5% (toàn quốc 4%); nợ xấu 1,89% (toàn quốc 6%). Trong tình hình kinh tế suy thoái và phục hồi chậm thì kết quả trên là sự nỗ lực đáng khích lệ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm những giải pháp hữu hiệu để tiếp tục phát triển trong thế ổn định.

 

THANH TOÀN
(thực hiện)

 


.