Bà Ngô Thị Kim Ngọc- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh:
Nghiệp đoàn nghề cá - Chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi

07:06, 07/06/2013
.

(QNĐT)- Quảng Ngãi là địa phương đầu tiên của cả nước thí điểm thành lập Nghiệp đoàn nghề cá. Trong 2 năm qua, Nghiệp đoàn nghề cá đã phát huy vai trò của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên. Nhân dịp sơ kết 2 ra đời và hoạt động Nghiệp đoàn nghề cá cả nước tại Quảng Ngãi. Báo Quảng Ngãi điện tử đã có cuộc phỏng vấn bà Ngô Thị Kim Ngọc- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh xoay quanh vấn đề này?

Vì sao Tổng LĐLĐ VN chọn Quảng Ngãi thí điểm việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá, thưa bà?
 

Bà Ngô Thị Kim Ngọc
Bà Ngô Thị Kim Ngọc

Như chúng ta đều biết, Quảng Ngãi là tỉnh duyên hải miền Trung có chiều dài bờ biển lớn (131km), với 5 huyện ven biển và một huyện đảo. Số lượng tàu thuyền của Quảng Ngãi cũng đông nhất nước với 5.741 chiếc, tổng công suất 624.570 CV, trong đó tàu có công suất lớn từ 90CV trở lên gần 2.000 chiếc.

Tàu thuyền ngư dân Quảng Ngãi tham gia khai thác, đánh bắt trên khắp các ngư trường cả nước, nhưng chủ yếu ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Quảng Ngãi có hoạt động nghề cá ra đời sớm như Hội nghề cá, HTX Nghề cá, tổ đội đánh bắt trên biển… nhưng hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân chưa gắn kết với nhau, chưa hỗ trợ kịp thời khi gặp rủi ro, gặp tàu lạ tấn công.

Những năm gần đây, tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi luôn bị tàu nước ngoài đe dọa, đâm chìm, bắt giữ thu ngư lưới cụ, thu tàu trái phép trên vùng biển của Việt Nam. Tình trạng trên khiến cho ngư dân lo lắng, không yên tâm bám biển. Trước thực trạng trên, Tổng LĐLĐVN đã chọn Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên trong cả nước thí điểm thành lập Nghiệp đoàn nghề cá- một mô hình mới trong hoạt động công đoàn.


Đến nay, việc nhân rộng mô hình Nghiệp đoàn nghề cá này đến các địa phương có biển như thế nào?

Sau khi thành lập thí điểm Nghiệp đoàn nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thành lập ít nhất một nghiệp đoàn nghề cá tại mỗi huyện ven biển.

Xác định, công tác tuyên truyền là yếu tố cơ bản, vì vậy Ban vận động đã phân công các thành viên gặp gỡ các chủ tàu, chính quyền địa phương, người lao động nghề cá để tuyên truyền, vận động về sự cần thiết phải có nghiệp đoàn nghề cá và tính thiết thực trong việc gia nhập nghiệp đoàn nghề cá đối với người lao động. Từng đối tượng được bố trí thời gian, có nội dung tiếp xúc gặp gỡ cụ thể để có sự đồng tình ủng hộ của chủ tàu và tinh thần tự nguyện của người lao động.

Kết quả, trong năm 2012 đã thành lập 5 Nghiệp đoàn nghề cá tại các xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn; Bình Châu, huyện Bình Sơn; Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh; Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa và Phổ Quang, huyện Đức Phổ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 6 nghiệp đoàn nghề cá với gần 2.000 đoàn viên của 355 tàu cá.

Sau 2 năm thành lập, các nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh đã phát huy hiệu quả ra sao?

Từ khi thành lập, các Nghiệp đoàn nghề cá ở Quảng Ngãi rất chú trọng đến công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của đoàn viên. Mỗi nghiệp đoàn đã phân công người thường xuyên trực máy Icom, làm cầu nối giữa đất liền và ngư dân đang khai thác trên biển, thông báo cho nhau khi có tin bão khẩn cấp, kịp thời hỗ trợ nhau khi có tàu lạ uy hiếp.

 

Nghiệp đoàn nghề cá thật sự trở thành
Nghiệp đoàn nghề cá thật sự trở thành "điểm tựa" cho ngư dân vươn khơi. (Trong ảnh: Ngư dân nghiệp đoàn nghề cá An Hải, Lý Sơn chuẩn bị ra khơi).


Nghiệp đoàn nghề cá ra đời và hoạt động có hiệu quả đã tạo niềm tin và trở thành chỗ dựa cho ngư dân, là trung tâm đoàn kết, tập hợp ngư dân cùng tương trợ, bảo vệ giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và khi gặp nạn trên biển.

Thông qua nghiệp đoàn, các tổ chức xã hội từ thiện và các nhà hảo tâm đã đóng góp, hỗ trợ trên 10 tỷ đồng cho các trường hợp chủ tàu và ngư dân gặp thiên tai, địch họa trên biển, bị mất phương tiện đánh bắt, kịp thời động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất để ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.

Bên cạnh những kết quả thuận lợi thì quá trình hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá gặp những khó khăn thế nào, thưa bà?

Như chúng ta biết, thì hầu hết các ngư dân và chủ tàu thuyền đều đánh bắt xa bờ dài ngày trên biển, tàu của ngư dân còn riêng lẻ với nhiều lĩnh vực khai thác khác nhau, thời gian ra khơi đánh bắt hải sản cũng khác nhau, nên việc tập trung đoàn viên, cũng như tuyên truyền phát triển đoàn viên gặp khó khăn.

Kinh phí hoạt động thường xuyên của nghiệp đoàn còn hạn chế. Ban chấp hành nghiệp đoàn đều là những ngư dân nên kinh nghiệm quản lý, tổ chức còn hạn chế, trong khi đó họ lại không được phụ cấp mà chủ yếu “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nên về lâu dài sẽ khó duy trì, phát triển tốt hơn.

Vì vậy, trong thời gian đến, LĐLĐ tỉnh sẽ tham mưu cho Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ có chương trình, cơ chế chính sách cho các Nghiệp đoàn nghề cá hoạt động và phát triển tốt hơn trong những năm đến.



M.Toàn (thực hiện)

 


.