(QNĐT)- Nhân tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi đã dành cho Báo Quảng Ngãi điện tử cuộc phỏng vấn xoay quanh lĩnh vực văn hoá.
TIN LIÊN QUAN |
---|
- Quảng Ngãi là tỉnh có bề dày về lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Vậy ông có thể nói rõ hơn về những nét văn hóa độc đáo ở Quảng Ngãi?
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ |
Quảng Ngãi là tỉnh có bề dày về lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng. Quảng Ngãi là quê hương của văn hóa Sa Huỳnh, nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng của Việt Nam, được thế giới biết đến hàng trăm năm qua. Vùng đất này cũng giàu di sản văn hóa Champa với các đền tháp, thành quách, làng mạc cư trú. Tiếp nối là di sản văn hóa Việt với các thành quách, đình chùa, đền miếu, lăng thờ cá Ông cùng hàng trăm lễ hội diễn ra, nổi bật với lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội điện Trường Bà, lễ tế đình, tế cá Ông, lễ cầu ngư, hát bả trạo, hát sắc bùa, các làng nghề thủ công truyền thống... Ở miền núi các dân tộc Cor, Cadong, Hrê vẫn còn giữ được lễ hiến sinh trâu, lễ ngã rạ, lễ mừng lúa mới, múa chiêng, múa cà đáu, hát kalêu, kachoi, ra nghế, xà ru, a giới… rất đặc trưng của cư dân vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.
Di sản văn hóa vật thể bao gồm các di tích lịch sử văn hóa với các loại hình di tích lịch sử (lịch sử truyền thống, cách mạng kháng chiến, lưu niệm danh nhân), di tích kiến trúc nghệ thuật (đình, chùa, đền, thành lũy, nhà cổ), di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Công tác bảo tồn và phát huy bao gồm các nhiệm vụ: Kiểm kê di tích, lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét xếp hạng và cấp bằng công nhận di tích Quốc gia và di tích cấp tỉnh nhằm đảm bảo tốt hơn công tác bảo tồn và phát huy giá trị cũng như quản lý di tích về lâu dài. Bên cạnh đó là công tác trùng tu tôn tạo di tích, xây dựng bản đồ số hóa khoanh vùng bảo vệ di tích.
Về các di tích, tính đến năm 2013, toàn tỉnh đã công nhận xếp hạng 28 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và 76 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh; 95 di tích tích có quyết định công nhận bảo vệ. Từ năm 1998 đến năm 2013, sau 15 thực hiện thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII “về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với các sở ngành liên quan và địa phương lập hồ sơ xếp hạng thêm 6 di tích Quốc gia và 63 di tích cấp tỉnh.
Di sản văn hóa, đặc biệt di sản phi vật thể là nét độc đáo riêng của từng vùng miền. Vậy ở tỉnh ta, ngành văn hóa đã làm gì để bảo tồn cũng như nâng tầm loại hình di sản phi vật thể này?
Thời gian qua, Sở VHTT&DL Quảng Ngãi cùng với các ban ngành phối hợp với Ủy ban nhân dân, Phòng Văn hóa – Thông tin các huyện/thành phố tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi, để trên cơ sở sở đó lựa chọn một số di sản có giá trị tiêu biểu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hiện nay, đã có 1 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, và Sở cũng đang tiến hành các bước lập hồ sơ để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội điện Trường Bà - Trà Bồng là di sản phi vật thể cấp quốc gia vào cuối năm 2013.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vừa được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. |
Bên cạnh đó, trong những năm qua, công tác điều tra di sản văn hóa phi vật thể cũng được tỉnh chú trọng, bao gồm các loại hình lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tập quán xã hội, bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác, nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác…
Trong năm 2012, Sở đã tiến hành kiểm kê trên địa bàn 6 huyện đồng bằng là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ và huyện đảo Lý Sơn. Trong năm 2013 việc điều tra di sản văn hóa phi vật thể được tiến hành tiếp tục ở các huyện miền núi Sơn Hà, Ba Tơ, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà. Việc phát hiện tài liệu Hán Nôm liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vào thời Minh Mạng mà gia tộc họ Đặng làng An Hải (Lý Sơn) truyền đời gìn giữ (nay đã bàn giao cho Bộ Ngoại giao) cũng là một trong những kết quả hết sức quan trọng trong việc điều tra các di sản văn hóa Hán Nôm trên địa bàn tỉnh.
Hàng vạn trang tài liệu Hán Nôm được tìm thấy trong các dòng họ trong suốt những năm qua cũng là một kết quả đáng khích lệ cho ngành. Bởi chúng góp phần chứng minh cho chiều sâu cội nguồn về lịch sử văn hóa của một vùng đất, về những bậc công thần có công khai mở quê hương Quảng Ngãi cũng như của cả nước. Trong số đó, còn có những tài liệu liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trên vùng biển Đông, như tài liệu Hán Nôm của các dòng họ Võ Văn, Phạm Quang, Phạm Văn, Đặng, Nguyễn (ở Lý Sơn); Nguyễn, Trần (ở Tư Nghĩa, Mộ Đức)...
- Trong những năm qua, ngành văn hóa đã triển khai việc trùng tu, bảo vệ những công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh như thế nào?
- Trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII “về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng với sự hỗ trợ kinh phí của Trung ương, các cấp chính quyền tỉnh, huyện, thành phố, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tiến hành công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Từ năm 1998 – 2012, có 15 di tích Quốc gia và 64 di tích cấp tỉnh được trùng tu, tôn tạo.
Tiêu biểu như: Hệ thống các di tích liên quan đến đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (phục dựng đình An Vĩnh, nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, mộ các cai đội, chánh đội trưởng Hoàng Sa...); Khu bảo tồn Văn hóa Sa Huỳnh; Khu lưu niệm Phạm Văn Đồng; Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định; di tích Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ; di tích Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi; di tích Chiến thắng Ba Gia; di tích Chiến thắng Vạn Tường; Địa đạo Đám Toái - Bình Châu; di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ; vụ thảm sát Khánh Giang – Trường Lệ; di tích Chiến thắng Đình Cương; di tích Chùa Hang, đình An Hải – Lý Sơn; nhà thờ Trần Cẩm; nhà thờ và mộ Bùi Tá Hán; mộ và đền Quan Chiếu vương Mai Đình Dõng...
Ngoài ra, hoạt động xã hội hóa phát huy giá trị di tích cũng từng bước được đẩy mạnh. Ngoài ngân sách của Trung ương, tỉnh, huyện, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương như huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân, đóng góp kinh phí xây dựng một số công trình văn hóa như: Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ (12 tỷ đồng), Di tích Quân tình nguyện Việt – Lào (1,5 tỷ đồng), địa đạo Hiệp Phổ Nam hơn 1 tỷ đồng; di tích điện Trường Bà – Trà Bồng hơn 1 tỷ đồng; di tích chùa Khánh Vân - Sơn Tịnh hơn 1 tỷ đồng... Ngoài ra, còn nhiều di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh khác cũng được nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức để trùng tu, tôn tạo thường xuyên, tiêu biểu như: di tích Quốc gia chùa Ông (Thu Xà); di tích Âm linh tự (Lý Sơn)...
- Công tác nghiên cứu, khai quật bảo tồn di sản văn hóa khảo cổ đóng vai trò hết sức quan trọng. Ở tỉnh ta công tác này đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?
Thời gian qua, ngành văn hóa khá chú trọng đến công tác nghiên cứu khai quật, bảo tồn di sản văn hóa khảo cổ. Điển hình như những cuộc khai quật khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh trong hàng chục năm qua tại xóm Ốc, Suối Chình (Lý Sơn); Gò Quê (Bình Sơn); Gò Ma Vương (Đức Phổ); Dương Quang (Mộ Đức); hồ Nước Trong đã mang về nhiều hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh, đem đến những nhận thức mới về nền văn hóa hết sức độc đáo này. Đặc biệt tại khu vực mặt bằng xây dựng công trình Hồ chứa nước Nước Trong, với thời gian đào thám sát và khai quật kéo dài trong 4 năm (2009 -2012), với diện tích khai quật 4.000 m2, đã phát hiện ra nền văn hóa Sa Huỳnh ở vùng thung lũng núi, thu được nhiều mộ táng và di vật.
Những đồ đá, nồi đất thời kỳ đồng thau (khoảng 3.000 năm) được khai quật tại di tích Long Thạnh, huyện Đức Phổ. |
Ngoài các cuộc khai quật khảo cổ về Văn hóa Sa Huỳnh, các cuộc khai quật các di chỉ, di tích văn hóa Chămpa cũng được tiến hành, như khai quật di tích tháp Khánh Vân; di tích thành Châu Sa... Kết quả các cuộc khai quật này đã thu được khá nhiều hiện vật có giá trị về nền văn hóa Chămpa từng hiện diện trên vùng đất này hàng nghìn năm trước.
- Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận như trên, thì công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh thời gian qua có những bất cập, hạn chế gì thưa ông?
- Hiện vẫn còn nhiều bất cập trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Số lượng di tích của tỉnh quá nhiều, phân bố trên nhiều địa hình khác nhau, đặc biệt là các di tích kháng chiến, di tích cách mạng, nên công tác khoanh vùng cắm mốc giới di tích đến nay vẫn còn hạn chế, thậm chí còn rất ít so với số lượng di tích đã được xếp hạng.
Việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực di sản văn hóa chưa được rộng khắp, đều đặn. Các vụ việc xâm hại di tích vẫn còn diễn ra. Công việc trùng tu tôn tạo các di tích vẫn còn hạn chế, nhiều di tích đang xuống cấp mà chưa kịp thời trùng tu, tôn tạo. Công tác xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo di tích chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Việc tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa chưa nhiều. Đề án tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đến năm 2020 vẫn chưa hoàn thiện. Việc kiểm kê và quy hoạch di tích và di sản phi vật thể theo quy định của Luật Di sản Văn hóa vẫn chưa hoàn thành. Các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn vẫn chưa được tổ chức đúng định kỳ. Một vài công trình nghiên cứu khoa học về di sản văn hóa chất lượng chưa cao. Việc tổ chức các sự kiện văn hóa còn nhiều lúng túng…
Tất cả những hạn chế đó có những nguyên nhân, do kinh phí đầu tư cho việc trùng tu tôn tạo, chống xuống cấp di tích còn quá hạn hẹp, chủ yếu là từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia. Kinh phí cho quy hoạch, điều tra di tích, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể còn quá ít ỏi. Năng lực cán bộ quản lý, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ tham mưu quản lý, bảo tồn di sản còn nhiều hạn chế là nguyên nhân chính. Nhận thức của các cấp, các ngành và một bộ phận nhân dân về di sản văn hóa chưa đầy đủ, chưa đúng mức. Công tác phối hợp thực hiện việc bảo tồn di sản văn hóa giữa các ngành, các cấp chưa được chặt chẽ và thường xuyên…C hính vì vậy, tôi nghĩ việc bảo tồn, phát huy giá trị những di tích văn hóa lịch sử và xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc như tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đề ra là nhiệm vụ lâu dài, không chỉ riêng của ngành văn hóa mà của toàn xã hội.
M.Toàn (thực hiện)