Phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm: "Siết trong, khóa ngoài"

01:04, 03/04/2013
.

(QNg)- Để phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC), các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp căn cơ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Hải - Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh.  

*PV: Dịch lợn tai xanh và cúm gia cầm H5N1 đã và đang xảy ra ở hai tỉnh Quảng Nam, Bình Định, trước tình hình trên, chúng ta đã chuẩn bị những gì để phòng dịch cúm gia cầm cũng như khả năng bệnh tai xanh tái phát?

*Ông Dương Văn Hải: Dù dịch tai xanh ở lợn đã tạm thời an toàn nhưng nếu chủ quan, chúng có thể quay lại bất cứ lúc nào. Còn cúm gia cầm thì đang diễn biến theo chiều hướng xấu tại tỉnh Bình Định-láng giềng của chúng ta nên để tránh dịch bệnh lây lan và tái phát, Chi cục Thú y tỉnh đề phòng bằng cách "siết trong, khóa ngoài". Tăng cường việc kiểm tra và giám sát dịch bệnh, đồng thời kiểm soát chặt việc giết mổ và vận chuyển GSGC từ vùng này sang vùng khác. Đặc biệt, Chi cục Thú y tỉnh tăng cường lực lượng chốt chặn 24/24 giờ ở hai Trạm kiểm dịch Đức Phổ, Bình Sơn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng lén lút vận chuyển GSGC từ vùng dịch ra ngoài. Tuy nhiên, biện pháp hữu hiệu và an toàn nhất vẫn là chủ động tiêm phòng bắt buộc trên đàn GSGC.

Kiểm soát việc vận chuyển sẽ hạn chế tình trạng
Kiểm soát việc vận chuyển sẽ hạn chế tình trạng "tuồn" GSGC từ vùng dịch ra ngoài.


*PV: Toàn tỉnh hiện có gần 3,5 triệu con GSGC. Vậy, bao nhiêu trong số này đã được tiêm phòng các loại bệnh?

*Ông Dương Văn Hải:  Hiện chúng tôi đang triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò. Đối với vắc xin phòng các bệnh như: Tai xanh và dịch tả lợn, cúm và dịch tả gia cầm, tụ huyết trùng… thì đang xúc tiến việc đấu thầu cung ứng, phấn đấu nửa cuối tháng 4 là có vắc xin. Riêng đàn lợn ở Bình Sơn, địa bàn tiếp giáp với tỉnh Quảng Nam đã được tiêm phòng dịch tả từ số vắc xin năm 2012 còn thừa (25 nghìn liều). Đối với các địa phương còn lại, ngay khi có vắc xin, Chi cục Thú y sẽ triển khai tiêm phòng đồng loạt cho đàn GSGC, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn.

*PV: Vì sao lại ưu tiên bệnh dịch tả, thưa ông?

*Ông Dương Văn Hải:  Bản thân bệnh tai xanh không gây chết lợn. Nhưng khi nó xuất hiện, thường kéo theo (kế phát) dịch tả-tác nhân tăng tỷ lệ lợn chết cũng như mức độ lây lan và khả năng bùng phát ổ dịch tai xanh mạnh. Thế nên, nếu lợn đã được tiêm phòng dịch tả thì tỷ lệ chết do mắc bệnh (hoặc nằm trong vùng dịch) cũng như nguy cơ bùng phát ổ dịch tai xanh  là rất thấp. Triệu chứng phát bệnh của dịch tả-tai xanh (ở lợn), dịch tả-cúm H5N1 là na ná nhau nên người chăn nuôi rất khó phân biệt.

Hiện vắc xin phòng bệnh tai xanh chỉ được hỗ trợ để tiêm phòng bao vây ổ dịch (không tiêm đại trà) nên chúng tôi  khuyến cáo bà con chủ động mua. Tuy nhiên, vì giá thành cao (33.000-39.000 đồng/liều), bà con không có điều kiện nên số lượng lợn được tiêm phòng định kỳ là rất ít. Còn dịch tả là bệnh thông thường, GSGC dễ mắc phải, trong khi vắc xin thì dồi dào, giá thành rẻ nên Chi cục Thú y tỉnh cũng tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân tiêm phòng cho đàn gia cầm (vì lợn được tỉnh hỗ trợ).  

*PV: Dịch cúm gia cầm thường tái phát vào khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4. Đặc biệt là sau khi vụ thu hoạch lúa đông xuân kết thúc, người dân lại thả vịt chạy đồng. Ông có lời khuyên nào cho những hộ này?

*Ông Dương Văn Hải:  Sau mỗi mùa gặt lúa, lượng vịt tăng đột biến. Đã thế, người chăn nuôi thường chủ quan, không tiêm phòng cho vịt mà thả chạy đồng-nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan, bùng phát. Để hạn chế tình trạng này, Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu các địa phương nắm chắc số lượng đàn gia cầm, kiểm tra và yêu cầu chủ hộ tiêm phòng bệnh cúm H5N1 và dịch tả cho vịt.

MỸ HOA (thực hiện)   

 


.