Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi:
Việc khai quật tàu cổ bị đắm có ý nghĩa rất lớn về mặt giá trị lịch sử, văn hóa

09:01, 18/01/2013
.

(QNĐT)- Sau khi UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt phương án khai quật khẩn cấp di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, hiện nay Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành khai quật. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ-Giám đốc Sở đã trả lời phỏng vấn phóng viên báo Quảng Ngãi điện tử xoay quanh công tác chuẩn bị khai quật khảo.
 
Qua khảo sát, tàu cổ bị đắm tại vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn có chiều dài 22 mét, chiều ngang 4,8 mét. Mũi tàu nằm vùi dưới lớp cát khoảng 0,5 mét, chiều ngang của con tàu với độ vùi lấp cát khoảng 0,9 mét.

- Thưa ông, ông có thể nói rõ về quá trình phát hiện di sản văn hóa dưới nước đặc biệt này tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu?
 
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ

- Vào ngày 8/9/2012, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý và thu giữ các di vật gốm sứ cổ có nguồn gốc từ chiếc tàu cổ bị đắm do ngư dân trục vớt trái phép tại vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu.

Toàn bộ hiện vật gốm sứ thu được qua nghiên cứu giám định sơ bộ gồm các loại hình chậu, bát, dĩa, lư hương, hầu hết là gốm sứ celadon men xanh ngọc, ô liu và đồ gốm tráng men nâu. Đặc biệt cơ quan chức năng đã thu được một chồng chậu gồm 11 chiếc chậu gốm tráng men nâu kết dính thành khối cùng san hô và tiền đồng. Khối kết dính này có dấu hiệu bị cháy.

- Theo ông nhận định ban đầu về cổ vật trên tàu đắm như thế nào?
 

Qua thăm dò cũng như giám định một số cổ vật thu giữ được thì chiếc tàu cổ bị đắm được xác định ban đầu, đây là một thương thuyền thuộc con đường tơ lụa trên biển, đi từ Bắc xuống Nam gặp mưa bão nên phải neo trú tại vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu chờ sóng êm để vượt qua mũi Ba Làng An. Trong thời gian neo trú, có thể tàu bị phát hỏa bốc cháy (hoặc có thể do bị bắn cháy) và chìm nhanh. Khảo sát cũng cho thấy, cát vùi lấp hàng mét xác con tàu,

Qua giám định thì mẫu vật trên tàu thu hồi được chia làm 2 loại, đó là đồ celadon men ngọc cao cấp và đồ gốm tráng men thông dụng. Giám định sơ bộ niên đại, cổ vật celadon men ngọc cao cấp và đồ gốm tráng men có từ khoảng thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15.

- Như vậy, cổ vật trên vô cùng có giá trị?

- Có thể nhận định như vậy. Cổ vật trên có giá trị khá lớn về kinh tế cũng như văn hóa, lịch sử; góp phần trong việc nghiên cứu quá trình giao thương của con đường tơ lụa trên biển. Việc trưng bày sau khi trục vớt, bao gồm cổ vật, cũng như xác con tàu là dịp để các nhà nghiên cứu lịch sử, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hiểu rõ hơn về chiều sâu lịch sử văn hóa của một vùng đất. Nếu chỉ riêng việc trưng bày xác tàu đắm cũng đã là một việc làm mà cho đến nay, chưa có nơi nào trong cả nước làm được.

Về giá trị bằng tiền, như báo chí đã đưa tin qua việc UBND tỉnh phê duyệt phương án khai quật, cũng chỉ là tạm ước tính. Còn thực tế thì phải sau khai quật mới biết được. Có nơi, như Bình Định chẳng hạn, ước tính thì rất cao, nhưng khi khai quật thì không như con số ước tính ban đầu. Vì con tàu đắm đó là con tàu sau khi đã bán xong hàng hóa trở về. Khai quật xong chỉ thấy toàn là tiền đồng đã hư hỏng!

- Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ở vùng biển Vũng Tàu, thôn Châu Thuận Biển phát hiện có cổ vật?

- Đúng vậy, năm 1999, tại vùng biển trên, Sở VHTT tỉnh lúc đó đã phối hợp với Tổng Công ty trục vớt và cứu hộ Visal thuộc Cục Hàng hải, Bộ Giao thông - Vận tải thăm dò, trục vớt. Cuộc thăm dò đã phát hiện chiếc tàu đắm nằm cách bờ khoảng 20 mét ở độ sâu 4,5 mét. Kết quả khai quật thu được một số cổ vật gốm sứ, đồ đồng… bao gồm dĩa đồng, ấm đồng, tô chén, hũ, nghiên mực đá, hộp chì đựng hương liệu, dĩa sứ celadon vẽ chìm, tô chén, hũ và nhiều mảnh sứ vỡ khác. Các hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. Niên đại các cổ vật khác nhau, một số đồ gốm sử dụng của thủy thủ ở thế kỷ 15, còn hàng hóa gốm sứ, đồ đồng buôn bán ở thế kỷ 17.

Tuy nhiên, cuộc khai quật năm 1999 đã không thành công như mong muốn. Vì càng trục vớt càng thấy số cổ vật hư hỏng, do ngư dân dùng mìn khai thác. Cuộc khai quật lúc đó đã phải dừng lại, vì Công ty Visal thấy không có hiệu quả về kinh tế, mà kinh phí đầu tư quá lớn.


- Vậy đến thời điểm này, công tác tổ chức khai quật cổ vật tại thôn Châu Thuận Biển được chuẩn bị như thế nào?

- Về con người, phương tiện thì đến nay công tác chuẩn bị cho việc khai quật được triển khai thận trọng và khá kỹ lưỡng. Đơn vị tham gia khai quật cũng đã được chọn, đó là Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (TP.HCM). UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban thăm dò, khai quật; Hội đồng tư vấn xét chọn phương án phân chia cổ vật sau khai quật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Thường trực Tỉnh ủy cũng đã có văn bản chỉ đạo…

 

Một trong những cổ vật tại dưới nước tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu được lực lượng chức năng thu giữ được.
Những cổ vật dưới nước tại thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu được lực lượng chức năng thu giữ được.


Và cũng đã thành lập 5 tổ chuyên môn, trong đó tổ chuyên gia gồm 5 thành viên là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khảo cổ, có trách nhiệm thực hiện công tác nghiên cứu khoa học trong quá trình khai quật, xử lý, bảo quản, giám định cổ vật tàu đắm. Ngoài ra còn thành lập tổ kỹ thuật, với 9 thành viên, tổ này có trách nhiệm xử lý sơ bộ, vẽ kỹ thuật, quay phim, chụp ảnh. Tổ bảo quản gồm 9 người của Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý, bảo quản cổ vật tại kho của bảo tàng.

Tổ bảo vệ, giám sát gồm 15 thành viên thuộc lượng công an, biên phòng, bảo tàng tổng hợp, thanh tra sở. Tổ bảo vệ có trách nhiệm bảo vệ công trường khai quật, giám sát mọi hoạt động nhằm bảo vệ an toàn cho người và tài sản; bảo vệ việc vận chuyển cổ vật về kho xử lý. Ngoài ra, còn mời Hội đồng giám định cổ vật là những thành viên của Hội đồng giám định cổ vật của Bộ VHTT&DL và thành viên của Sở VHTT&DL, Bảo tàng tổng hợp tỉnh để giám định toàn bộ cổ vật sau khi trục vớt.

- Như vậy, thời gian khai quật sẽ được tiến hành khi nào, thưa ông?

Hiện nay, thời tiết không thuận lợi, biển động, khu vực tàu đắm cũng có sóng lớn, mà vị trí tàu đắm lại nằm ngay dưới chân sóng lớn nên việc khai quật sẽ hết sức khó khăn. Nước đục nên không thể thực hiện việc quay phim, chụp ảnh, đo vẽ dưới nước, mà đây là một công đoạn nhất thiết phải làm. Nhờ công đoạn này thì cổ vật mới có giá trị.

Tuy nhiên, việc khai quật vẫn phải tiến hành từng bước, trước hết là chuẩn bị kho bảo quản, địa điểm xử lý mặn, nhà bảo vệ, công tác tuyên truyền…Thời gian khai quật là 60 ngày, kể từ ngày Sở VHTT&DL ký hợp đồng với Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã kết luận về phương án  phân chia cổ vật. Công ty Đoàn Ánh Dương đang tiến hành các công việc để có thể tiến hành thương thảo và ký kết hợp đồng khai quật trong thời gian tới.


M.Toàn (thực hiện)
 


.