Đồng chí Trần Thao Mười - Giám đốc Sở Xây dựng: Người dân là chủ thể bị ảnh hưởng và chịu thiệt hại nặng nề nhất khi vướng "quy hoạch treo"

02:11, 29/11/2012
.

LTS: Với vai trò người đứng đầu ngành đối thoại với dân, trả lời báo chí cũng như thắc mắc của người dân, đồng chí Trần Thao Mười cho biết những thành quả và hạn chế, bất cập trong công tác quản lý ngành xây dựng. Báo Quảng Ngãi lược đăng một số nội dung trả lời của Giám đốc Sở Xây dựng về những bất cập trong khâu quy hoạch đô thị và quản lý xây dựng theo quy hoạch; công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng; hướng giải quyết những dự án thuộc diện "quy hoạch treo" trên địa bàn Quảng Ngãi...  

Hỏi: Đồng chí có thể cho biết những kết quả đạt được trong quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn Quảng Ngãi những năm qua?

Đ/c Trần Thao Mười: Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 11 khu đô thị, 4 trung tâm huyện lỵ, 4 đô thị dự kiến hình thành trong tương lai và một số khu chức năng quan trọng khác như Khu Kinh tế Dung Quất, các khu - cụm công nghiệp và khu du lịch.

Hầu hết các đô thị, các khu chức năng quan trọng của tỉnh đều được quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu tại các đô thị hiện đã đạt trên 77%. Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết đến tỷ lệ 1/500 tại các đô thị được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện trong những năm gần đây nên tương đối thuận lợi trong công tác quản lý và xây dựng đô thị. Riêng đối với các vùng, đô thị lớn như thành phố Quảng Ngãi, đô thị mới Vạn Tường, KKT Dung Quất, tỉnh đã mời các tổ chức, chuyên gia nước ngoài có uy tín tham gia liên danh với các tổ chức tư vấn trong nước để nghiên cứu lập quy hoạch. Các đồ án này đều đạt chất lượng cao, là cơ sở thuận lợi để quản lý, định hướng đầu tư và phát triển đô thị...

Hỏi: Còn những bất cập trong khâu quy hoạch?

Đ/c Trần Thao Mười: Thực tế, bên cạnh những đồ án quy hoạch tốt còn một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, nội dung đồ án mang nặng tính lý thuyết, chưa phù hợp với nguồn lực và thực trạng phát triển đô thị dẫn đến tính khả thi không cao, khó triển khai thực hiện. Những hạn chế này thường gặp trong hai trường hợp sau:

Một là, quy hoạch đô thị quá bám vào điều kiện hiện trạng, phục vụ cho mục đích trước mắt, thiếu định hướng dài hạn, thiếu sự kết nối dẫn đến chắp vá, mau lạc hậu.

Hai là, ngược lại, không ít trường hợp đề ra mục tiêu quá cao, quá lý tưởng, tầm nhìn quá xa, vượt khả năng nguồn lực có thể thực hiện sẽ dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện, thời gian kéo dài, rất dễ dẫn đến "quy hoạch treo".

Hỏi: Riêng trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi thì hiện có bao nhiêu khu "quy hoạch treo"?

Đ/c Trần Thao Mười: "Quy hoạch treo được đề cập ở đây chủ yếu là các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được lập, phê duyệt để triển khai dự án, nhưng vì một hay nhiều lý do khác nhau nên chủ đầu tư không thể triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch chi tiết được duyệt.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng, hiện tại trên địa bàn TP Quảng Ngãi có khoảng 50 đồ án quy hoạch chi tiết và dự án triển khai không đúng tiến độ, không theo đúng quy hoạch, thậm chí không triển khai được. Trong số này có một số quy hoạch, dự án đã lập, phê duyệt cách đây 15 năm như khu dân cư Bàu Ruộng, khu dân cư Đê bao, khu Thành Cổ Núi Bút... Nhiều trường hợp tuy đã được UBND thành phố Quảng Ngãi và các sở, ngành phối hợp xây dựng phương án xử lý, điều chỉnh, thậm chí UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để.

Hỏi: "Quy hoạch treo" gây nhiều hệ lụy cho sản xuất và đời sống của người dân trong vùng quy hoạch, trách nhiệm này thuộc về ai và hướng giải quyết?

Đ/c Trần Thao Mười:  Người dân là chủ thể đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp và chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trách nhiệm trong vấn đề này đầu tiên phải thuộc về chủ đầu tư, vì đã không triển khai quy hoạch, dự  án đúng kế hoạch đề ra. Thứ hai, là trách nhiệm của cấp quyết định đầu tư, chính quyền đô thị, do không cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai hoặc quyết định đầu tư dự án vượt khả năng cân đối nguồn lực của mình. Thứ ba,  là trách nhiệm của các cơ quan tham mưu trong công tác quản lý quy hoạch từ cấp thành phố đến cấp tỉnh chưa chủ động, sâu sát trong việc tham mưu đề xuất giải pháp giải quyết các quy hoạch, dự án "treo"...  

 Đối với các quy hoạch, dự án "treo", chính quyền phải là cơ quan đầu tiên rà soát, chỉ đạo, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương lập kế hoạch triển khai quy hoạch, dự án, bố trí nguồn lực đảm bảo để triển khai thực hiện. Trong trường hợp chủ đầu tư không có khả năng thực hiện, chính quyền phải phối hợp với cơ quan quản lý quy hoạch, cơ quan quản lý đầu tư báo cáo cấp quyết định đầu tư thu hồi dự án, điều chỉnh quy hoạch.

Hỏi: Dù đã quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch, nhưng trên địa bàn vẫn chưa có các khu phố đẹp, hiện đại; thậm chí một số đường phố dù mới xây dựng nhưng không thẳng tuyến? Việc khắc phục như thế nào?

Đ/c Trần Thao Mười: Đây không phải là vấn đề của riêng TP Quảng Ngãi mà là vấn đề chung của hầu hết các đô thị trên cả nước. Mỗi tuyến phố là hàng trăm công trình, nhà ở. Và theo đó là hàng trăm "chủ đầu tư" khác nhau. Mỗi chủ đầu tư có một quan niệm, trình độ thẩm mỹ riêng; có nhận thức, yêu cầu về kiến trúc công trình mà mình sở hữu; có nguồn lực tài chính khác nhau... Do vậy, có thể thấy hầu hết các tuyến phố tại các đô thị đều được xây dựng thiếu sự đồng bộ. Thời gian gần đây, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị có quy định công tác thiết kế đô thị. Các đồ án quy hoạch chi tiết được duyệt cũng đề xuất, đưa ra mẫu nhà ở dọc theo tuyến phố. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kém hiệu quả. Hầu hết các hộ dân không xây dựng nhà theo mẫu đề xuất mà xây dựng theo sở thích của mình.

 Mặt tiền nhiều ngôi nhà trên tuyến đường Phan Bội Châu - TP Quảng Ngãi không cân đối với tim đường.
Mặt tiền nhiều ngôi nhà trên tuyến đường Phan Bội Châu - TP Quảng Ngãi không cân đối với tim đường.


Đối với một số tuyến đường trong thành phố mới xây dựng nhưng không thẳng tuyến, tồn tại các nút thắt cổ chai, chủ yếu do hai nguyên nhân: Thứ nhất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án bị vướng mắc, không tạo được mặt bằng sạch 100% để thi công. Thứ hai, nhu cầu thì nhiều nhưng nguồn lực còn hạn chế, dẫn đến chủ đầu tư và cấp quyết định đầu tư tìm mọi phương án để tiết kiệm chi phí. Trong đó có giải pháp điều chỉnh lại tim tuyến quy hoạch  cho phù hợp với hiện trạng đường đã có nhằm giảm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Để khắc phục tình trạng trên đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, cùng với các giải pháp thiết thực, đồng bộ. Trước hết chính quyền phải xây dựng được kế hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị hợp lý, mang tầm nhìn dài hạn, khái quát, toàn diện từ công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, triển khai đồng bộ các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp với nguồn lực; đến việc vận động, tuyên truyền, tạo cơ chế cho cộng đồng dân cư tham gia vào việc cải tạo, chỉnh trang đô thị. Bên cạnh đó, cần tăng cường, đẩy mạnh sự phối hợp, hướng dẫn của các sở, ngành, đơn vị liên quan...

Hỏi: Về trách nhiệm của Sở Xây dựng trong công tác quản lý chất lượng công trình  xây dựng?

Đ/c Trần Thao Mười: Đối với công tác này, Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của các sở, UBND cấp huyện, xã; kiểm tra sự tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân, xử lý các vi phạm về chất lượng công trình theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng hàng năm về tình hình chất lượng và quản lý chất lượng...

Với chức năng quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, qua các năm, Sở Xây dựng đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng xây dựng ở một số công trình lớn và một số công trình ở các huyện...

Bên cạnh những mặt tích cực trong công tác quản lý chất lượng công trình, từ Sở Xây dựng đến các huyện, thành phố vẫn còn một số tồn tại như: Công tác thanh kiểm tra chưa sâu sát và triệt để; một số huyện chưa có chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng; chưa thực hiện tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác quản lý chất lượng công trình đối với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn; chưa tổ chức kiểm tra các công trình thuộc diện phải kiểm tra chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực theo quy định của pháp luật, nếu xảy ra sự cố có thể gây thảm họa... Chính những tồn tại này đã ảnh hưởng đến chất lượng một số công trình xây dựng...


THANH TOÀN (tổng hợp)
 


.