(QNg)- Đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường nhất là trong mùa mưa lũ là nhiệm vụ hàng đầu của ngành giao thông vận tải (GTVT). Và, "Bốn tại chỗ" là nội dung chính được ngành GTVT thực hiện, chỉ đạo xuyên suốt trong phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn... đồng chí Lê Nhân - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi.
*PV: Những dự lường khó khăn của ngành GTVT trong việc ứng phó, phòng chống lụt bão năm 2012?
*Đ/c Lê Nhân: Theo dự báo, năm 2012 diễn biến thời tiết ngày càng diễn ra bất thường, nhất là quá trình biến đổi khí hậu nên khó dự báo chính xác nguy cơ sạt lở, phá hoại công trình giao thông trên hệ thống đường bộ trong thời gian xảy ra bão lũ. Để chủ động đối phó với diễn biến lụt bão năm 2012, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến trong mùa mưa lũ, ngành GTVT đã dự lường các tình huống phát sinh bất thường có nguy cơ gây sạt lở, sụp trôi cầu cống, gây ách tắc giao thông trong mùa mưa bão; đồng thời đề ra những giải pháp đối phó, xử lý để phục vụ nhanh nhất việc đi lại của nhân dân trong mọi tình huống khi xảy ra ách tắc.
*P.V: Kế hoạch chung của ngành GTVT nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa bão và việc chỉ đạo các đơn vị thi công cầu, đường thực hiện điểm dừng kỹ thuật, tránh thiệt hại khi bão lũ xảy ra?
*Đ/c Lê Nhân: Ngành GTVT đã tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-TKCN năm 2012 và phân công, phân nhiệm cho từng đồng chí phụ trách từng tuyến đường, từng địa phương và công trình cụ thể; kiểm kê lại vật tư, phương tiện dự phòng, có kế hoạch bổ sung nếu còn thiếu và chủ động bố trí vật tư dự phòng tại những nơi xung yếu để khi cần thiết có thể huy động được ngay; tổ chức kiểm tra tình trạng kỹ thuật các công trình cầu cống, phương án sửa chữa, khắc phục trước mùa mưa bão; sửa chữa phương tiện cơ giới nhằm đảm bảo có lực lượng tốt nhất khi có yêu cầu.
Song song với các công tác trên, chúng tôi đã lập phương án khắc phục khi có sự cố xảy ra, đồng thời lên kế hoạch phân luồng chi tiết lên các huyện miền núi, tránh tình trạng cô lập khi bị sạt lở lớn phải cần nhiều thời gian mới khắc phục được; thực hiện điểm dừng kỹ thuật, tránh thiệt hại khi mưa bão xảy ra. Cụ thể, đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án, các nhà thầu thi công xây dựng và thực hiện nghiêm túc phương án PCLB-TKCN tại các công trường đang thi công. Xác định điểm dừng kỹ thuật phù hợp với điều kiện thời tiết để tránh những thiệt hại có thể xảy ra bằng các biện pháp: Hoàn thiện các hạng mục chính có thể bị ảnh hưởng do bão lũ xảy ra, di dời vật tư, thiết bị máy móc ra khỏi phạm vi ảnh hưởng. Cử công nhân, phương tiện máy móc túc trực tại công trình để có thể huy động đảm bảo giao thông trong thời gian mưa bão xảy ra một cách sớm nhất.
*P.V: Đồng chí có thể nói cụ thể hơn việc đảm bảo giao thông cho các tuyến đường miền núi trong mùa mưa lũ, nhất là tuyến Trà Bồng - Tây Trà và Sơn Hà - Sơn Tây?
*Đ/c Lê Nhân: Chúng tôi luôn xác định, nhiệm vụ thực hiện đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường là nhiệm vụ hàng đầu của ngành GTVT, nhất là trong mùa mưa lũ nhằm đảm bảo phục vụ cứu hộ, cứu nạn và cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân. Sở GTVT đã tiến hành kiểm tra các tuyến đường, chủ động xây dựng phương án chuẩn bị đảm bảo giao thông và khắc phục sự cố các tuyến đường trong mùa mưa lũ, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến giao thông huyết mạch lên các huyện miền núi.
Riêng đối với tuyến đường Trà Bồng - Tây Trà và Sơn Hà - Sơn Tây: Trong quá trình xây dựng phương án đảm bảo giao thông, Sở GTVT đã nghiên cứu các kịch bản có thể xảy ra như trôi sụp cầu cống, sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông để đưa ra biện pháp đối phó khi cần thiết nhằm bảo đảm giao thông thông suốt trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, chúng tôi còn dự kiến phân luồng lên các huyện nếu như một trong các tuyến đường bị ách tắc giao thông nhằm phục vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm khi cần thiết.
*P.V: Còn vấn đề "Bốn tại chỗ" của ngành GTVT?
*Đ/c Lê Nhân: "Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và vật tư, phương tiện tại chỗ" là bốn nội dung chính được ngành GTVT thực hiện, chỉ đạo xuyên suốt trong phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn. Tuy nhiên, còn một khó khăn là vật tư và phương tiện tại chỗ. Chúng tôi không thể tập kết vật tư, thiết bị lên từng tuyến đường được mà chủ yếu cho một số tuyến thường sạt lở trong mùa mưa. Đây là vấn đề khó khăn, vì nếu sạt lở hư hỏng thì mới dùng các vật tư, thiết bị dự phòng tại chỗ phục vụ công tác khắc phục mới được thanh toán. Do đó, ngành GTVT thường chuẩn bị vật tư tại các mỏ hoặc tại các nhà kho, nhà hạt quản lý, nên việc huy động thường chậm, ít kịp thời.
*P.V: Những đề xuất, kiến nghị của ngành GTVT đối với tỉnh và các địa phương trong phối hợp phòng, chống lụt bão đạt hiệu quả?
*Đ/c Lê Nhân: Chúng tôi đã kiến nghị, đề xuất đối với tỉnh một số nội dung như: Chỉ đạo Sở Tài chính sớm tham mưu cho phép được trích một phần kinh phí sự nghiệp hàng năm để mua vật tư dự phòng; có cơ chế tài chính để huy động, bảo dưỡng phương tiện máy móc, thiết bị thường trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở gây ách tắc giao thông; sớm phân bổ kinh phí khắc phục đối với các tuyến đường tỉnh sau khi mưa lũ xảy ra; chỉ đạo Sở Công thương có biện pháp đơn giản hoá thủ tục nổ mìn phá đá phục vụ cho đảm bảo giao thông bước 1, đáp ứng yêu cầu thông đường trong thời gian nhanh nhất.
Đối với các địa phương, chúng tôi đề nghị, sau khi có mưa bão xảy ra chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Sở GTVT trong việc xác định khối lượng thiệt hại, khắc phục bảo đảm giao thông thông suốt trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện để các phương tiện, thiết bị di chuyển trong quá trình đảm bảo giao thông.
THANH TOÀN (thực hiện)