(QNg)- Nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS, Bác sĩ Lê Quang Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết một số thông tin liên quan đến công tác này trên địa bàn Quảng Ngãi.
*P.V: Xin ông cho biết thông điệp của Ngày Thế giới phòng chống AIDS năm nay?
*Bs Lê Quang Quỳnh: Chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu năm 2012 nhân Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12) tiếp tục với chủ đề “Getting to Zero - hướng tới mục tiêu ba không” do Liên hợp quốc phát động. Uỷ ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước "Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2012" từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2012, với chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”.
Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV là một trong ba mục tiêu “3 Không” do Liên hợp quốc đề ra. Đó là: Không có người nhiễm mới HIV! Không có bệnh nhân chết do AIDS! Không kỳ thị và phân biệt đối xử! Để đạt được các mục tiêu trên, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân để thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030” và “Phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”.
*PV: Kết quả phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn Quảng Ngãi những năm gần đây?
*Bs Lê Quang Quỳnh: Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Ngãi được thành lập vào tháng 7/2008. Bốn năm qua Trung tâm đã triển khai đồng bộ các hoạt động: Truyền thông thay đổi hành vi, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giám sát dịch HIV và điều trị bệnh nhân AIDS...
Qua đánh giá sơ bộ trong năm 2011, Trung tâm đã nhận thấy, các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy đã có nhận thức về hành vi nguy cơ của mình nên đã chủ động dùng riêng bơm kim tiêm để tiêm chích. Ngoài ra, việc sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục an toàn ngày càng tăng. Thái độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân AIDS đạt trên 98%. Do đó, tỷ lệ hồi phục sức khỏe của bệnh nhân AIDS rất cao và trở lại làm việc bình thường, sớm hòa nhập cộng đồng, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử.
Về công tác điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Bệnh nhân đã tự đến đăng ký tham gia điều trị thuốc ARV (thuốc kháng HIV) ngày càng đông. Trong 4 năm qua, từ 16 bệnh nhân tham gia điều trị ban đầu, đến nay đã tăng trên 120 bệnh nhân. Bệnh nhân đến Trung tâm với bệnh nhiễm trùng cơ hội ngày càng ít đi. Điều đó cho thấy bệnh nhân đã thay đổi lối sống, sống tích cực và lành mạnh.
Về công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho thấy, số phụ nữ có thai, phụ nữ trước sinh nhiễm HIV có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Từ năm 2008 – 2012 đã phát hiện trên 30 trường hợp nhiễm HIV và tỷ lệ được tiếp cận điều trị dự phòng bằng thuốc kháng HIV cũng ngày càng tăng (rên 90%). Tuy nhiên, tỷ lệ tiếp cận thuốc điều trị chủ yếu trong lúc chuyển dạ nên vấn đề dự phòng cũng hạn chế. Trong 4 năm, có 6 trường hợp phụ nữ có thai đăng ký điều trị dự phòng trong thời gian mang thai chiếm dưới 20%. Qua công tác điều trị và chăm sóc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt nhiều kết quả tốt. Năm 2011 Trung tâm đã xét nghiệm chẩn đoán sớm cho 22 trẻ phơi nhiễm HIV đều cho kết quả âm tính (không nhiễm HIV). Năm 2012 xét nghiệm chẩn đoán sớm cho 7 trường hợp trẻ phơi nhiễm chỉ có một trường hợp nhiễm HIV.
*P.V: Khó khăn, thách thức trong thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện nay?
*Bs Lê Quang Quỳnh: Thực tế, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm tăng tình hình dịch HIV/AIDS. Các tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm ngày càng tăng và khó kiểm soát. Tỷ lệ bao phủ của các chương trình can thiệp cả về địa bàn và số lượng được can thiệp vẫn còn hạn chế. Mức độ lây nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao vẫn còn đáng quan ngại. Tỷ lệ hiểu biết đầy đủ về dự phòng lây nhiễm HIV của đại bộ phận người dân chưa cao, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tuy có triển khai mạnh mẽ nhưng chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu... Ngoài ra, thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là một gánh nặng đối với bệnh nhân HIV/AIDS. Chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã làm cho khó kiểm soát dịch HIV và nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng ngày càng tăng.
*P.V: Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS có thể hy vọng gì về những tiến bộ của y học trong phát hiện HIV và điều trị AIDS?
*Bs Lê Quang Quỳnh: Người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS nên hy vọng vào những tiến bộ của y học hiện nay. Các thuốc điều trị HIV hiện nay đã có trên 15 loại và ngày càng đạt hiệu quả cao, ít tác dụng phụ. Nước ta đang thí điểm tại Điện Biên và TP Cần Thơ điều trị theo phương pháp 2.0. Nhận thức được lợi ích của phương pháp điều trị 2.0 và đảm bảo tính bền vững cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS, Việt Nam sẽ là một trong các nước đi tiên phong trong việc áp dụng phương pháp này. Và hiện nay, các loại sinh phẩm cũng được cải tiến nhiều để phục vụ cho việc xét nghiệm chẩn đoán HIV sớm, tỷ lệ chính xác và độ đặc hiệu cao, giúp cho công tác sàng lọc HIV hiệu quả hơn...
THANH TOÀN (thực hiện)